ịa
danh Đất Đỏ đã được nhắc đến trong một bài vè : “ mây Hòn Hèo/ heo Đất
Đỏ/ mưa Đồng Cọ/ gió Tu Hoa/ cọp Ổ Gà/ ma Đồng Lớn”. Núi Đất Đỏ có tên
chữ là Xích Thổ.
Các sách ghi chép về núi Xích Thổ.
Nhiều người biết đến núi Xích Thổ (Đất Đỏ) qua tác phẩm Xứ Trầm
Hương và tác phẩm ấy đã ghi chép về núi Xích Thổ: “ Là vùng núi đất
đỏ ở phía Tây núi Ổ Gà. Núi thấp nhưng rừng rậm và nhiều cây to, nên có
nhiều sơn thú. Trong Đại Nam nhất thống chí chép rằng có cả tê giác.
Nhưng không mấy ai trông thấy. Chỉ thấy nhiều nhất là heo rừng. Heo rừng
Đất Đỏ đã nhiều, thịt lại ngon hơn đâu cả. cho nên nổi tiếng là “heo Đất
Đỏ”(1)
Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn
đã ghi chép về núi Xích Thổ (Đất Đỏ): “Ở phía tây bắc huyện Tân Định
24 dặm. Miền này đất đỏ, núi rừng trùng điệp, có nhiều loại: hổ, báo,
tê, tượng, lên chỗ cao có thể trông thấy giữa mặt biển. Phía tây bắc
liên tiếp núi Tam Phong, phía nam liên tiếp làng mọi Dẫn- Chế- Trang,
phía đông giáp đồn Bình Nguyên”(2)
Định vị núi Xích Thổ trên thực địa.
Trước đây sông Dinh – Ninh Hòa là ranh giới giữa hai huyện Quảng
Phước và Tân Định , bờ bắc sông Dinh là huyện Quảng Phước, bờ nam sông
Dinh trở về phía tây là huyện Tân Định . Nếu căn cứ vào Xứ Trầm Hương
thì núi Xích Thổ (Đất Đỏ) nằm về phía tây núi Phú Như (Ổ Gà), mà núi Phú
Như lại thuộc huyện Quảng Phước. Như vậy núi Xích Thổ cũng thuộc huyện
Quảng Phước. Trong khi đó Đại Nam nhất thống chí khẳng định núi Xích Thổ
“ Ở phía tây bắc huyện Tân Định 24 dặm”. Vùng tây bắc huyện Tân Định
thuộc tổng Thân Thượng. Núi Xích Thổ ở cách huyện Tân Định 24 dặm tức
khoảng 10 cây số.
Các yếu tố để giúp chúng ta định vị núi Xích Thổ : “ Lên chỗ cao có
thể trông thấy giữa mặt biển”; “phía tây bắc liên tiếp núi Tam Phong”;
“phía nam liên tiếp làng mọi Dẫn- Chế- Trang”; “phía đông tiếp giáp đồn
Bình Nguyên”. Phía đông núi Xích Thổ tiếp giáp đồn Bình Nguyên. Vậy đồn
Bình Nguyên ở đâu?
Theo Đại Nam nhất thống chí thì đồn Bình Nguyên “ Ở địa phận
thôn Dục Mỹ, về phía tây bắc huyện Tân Định, không biết đắp đời nào.
Trước kia có tên là bảo Kỳ Vĩ, năm Minh Mạng nguyên niên(1820) đổi lại
tên này và đặt viên Thủ ngự lãnh quân đinh đóng giữ để chế ngự các man
lèo Đồng Hương, Đồng Nẩy”(3).
Gần đây, tôi được một người quen cho xem mảnh bản đồ tổng Thân
Thượng, huyện Tân Định được vẽ dưới thời vua Đồng Khánh (1886-1888)
trong bản đồ có dãy núi được ghi hai chữ Xích Thổ bằng chữ Hán và núi
Xích Thổ nằm phía tây thôn Dục Mỹ. Vậy núi Xích Thổ thuộc địa bàn thôn
Dục Mỹ chứ không phải ở phía tây núi Phú Như như ghi chép trong Xứ Trầm
Hương. Núi Xích Thổ nằm ở vị trí như Đại Nam nhất thống chí ghi chép mới
liên tiếp với núi Tam Phong về phía tây bắc.
Núi Phú Như (Ổ Gà)
Tác phẩm Xứ Trầm Hương ghi chép về núi Phú Như: “Tục danh là núi Ổ
gà. Núi nằm về phía bắc Quận lỵ cách chừng 3 cây số, tại thôn Phú Nghĩa,
phía tây đèo Bánh Ít tức đèo Hà Thanh, giữa đường Quốc lộ số 1 ở phía
đông và đường Hỏa xa ở phía tây. Phía nam núi lại có con đường liên xã
số 10 chạy từ Quốc lộ lên đường Hỏa xa. Núi không cao nhưng rậm rạp, nên
cọp rất nhiều”(4).
Đại Nam nhất thống chí ghi về núi Phú Như: “ Ở phía tây bắc huyện
Quảng Phước 64 dặm, thuộc địa phận xã Phú Như, tục danh núi Ổ Gà. Cây
cối sầm uất có nhiều cọp, người đi qua phải kiêng dè, nên tục có câu:
“cọp Ổ Gà”. Nay càng ngày càng được khai khẩn rộng rãi, dần dần trừ được
nạn cọp”(5)
Xứ Trầm Hương ghi núi Phú Như cách Quận lỵ Ninh Hòa chừng 3 cây số về
phía bắc. Đại Nam nhất thống chí ghi núi Phú Như ở phía tây bắc huyện
Quảng Phước 64 dặm ,tức khoảng 30 cây số đường chim bay. Hai tác phẩm
ghi chép cự ly khác nhau. Vậy núi Phú Như ở đâu?
Bản đồ tổng Phước Khiêm và tổng Phước Hà Nội thuộc huyện Quảng
Phước vẽ thời vua Đồng Khánh (1886-1888) xác định núi Phú Như nằm ở phía
tây thôn Hà Thanh giống như Xứ Trầm Hương đã ghi chép. Núi Phú Như trong
bản đồ Đồng Khánh không phải ở tây bắc huyện Quảng Phước mà ở phía nam
huyện Quảng Phước. Đại Nam nhất thống chí ghi là núi Phú Như ở tây bắc
huyện Quảng Phước 64 dặm và xếp núi Phú Như kế sau núi Tô Hà (trước có
tên là Hoa Sơn)
Trong Khánh Hòa toàn đồ phần phía bắc tỉnh Khánh Hòa được vẽ sau năm
1832 có vẽ dãy núi và ghi ba chữ “Phú Như sơn” bằng chữ Hán(6). Trong
Khánh Hòa toàn đồ núi Phú Như nằm phía tây dịch trạm Hòa Lãng (Dịch trạm
thuộc xã Trung Dõng, tổng Phước Tường, huyện Quảng Phước). Phía bắc của
núi Phú Như là núi Hoa Sơn. Núi Phú Như được Đại Nam nhất thống chí ghi
chép chính là núi Phú Như được vẽ trong Khánh Hòa toàn đồ, chứ không
phải núi Phú Như được ghi chép trong xứ Trầm Hương. Bởi vì vị trí núi
Phú Như trong Khánh Hòa toàn đồ ở phía tây bắc huyện Quảng Phước 64 dặm
.
Như vậy lâu nay chúng ta lại đinh ninh “cọp Ổ Gà, heo Đất Đỏ” thuộc
phía tây đèo Bánh Ít là hoàn toàn không giống như Đại Nam nhất thống chí
ghi chép.