Thơ & Truyện Nguyễn Văn Nghệ            |             www.ninh-hoa.com

NGUYỄN VĂN NGHỆ

Người làng Phong Ấp, xă Ninh Binh, Ninh Ḥa.

Tốt nghiệp K.19 Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa Học Huế

 

 

Hiện cư ngụ tại VN


 

 

 

 

 

 

ĐÔI BA CHUYỆN VỀ
TÊN ĐƯỜNG Ở NHA TRANG
Nguyễn Văn Nghệ
 

  

 

   Câu đố vui vui về tên đường ở Nha Trang.

   Trong khi ngồi chơi ở bờ biển Nha Trang, có người đố vui với tôi: “ Ở Nha Trang con đường nào to nhất?” Tôi đưa ra tên nhiều con đường, nhưng người ấy đều lắc đầu. Và người ấy đưa ra đáp án: Đường Biệt Thự (nói lái là “ Bự Thiệt”). Người ấy đố tiếp: Con đường nào yên tĩnh nhất Nha Trang? Tôi cũng chịu thua. Người ấy trả lời: Đường Hoa Lư (nói lái là Hư Loa, do cái loa phường bị hư cho nên không bị nghe phát thanh ra rả suốt ngày). Người ấy đố tiếp: Con đường nào đi mỏi chân nhất ở Nha Trang? Tôi cũng nghĩ không ra. Người ấy đáp: Đường Lê Chân (đi mỏi cho nên mới lê chân). Và người ấy đố một câu nữa: Đường nào có bốn vú? Tôi càng chịu thua. Người ấy trả lời: Đường Hai Bà Trưng (hai bà nên mới có tổng cộng là 4 vú!)

 

   Đường Mạc Đĩnh Chi hay là Mạc Đỉnh Chi?

   Ở Nha Trang hiện nay, con đường được giới hạn bởi đường Huỳnh Thúc Kháng và đường Phù Đổng được mang biển hiệu là Mạc Đĩnh Chi, nhưng đại đa số biển ghi số nhà lại mang tên Mạc Đỉnh Chi. Như vậy để ghi đúng tên danh nhân phải ghi là Mạc Đĩnh Chi hay Mạc Đỉnh Chi?.

   Để ghi đúng phải là Mạc Đĩnh Chi (chữ Đĩnh viết theo nét chữ Hán thuộc bộ “Thủ” có nghĩa là trội cao). Tên “Đĩnh Chi” được lấy ra từ câu chữ Hán: Thiên đĩnh chi tư = Tư chất trời sinh trội hơn các bậc thường.

    Mạc Đĩnh Chi tự là Tiết Phu, hiệu là Tích Am quê làng Lũng Động, huyện Chí Linh (nay là thôn Lũng Động, xă Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Về năm sinh có tài liệu ghi 1272, có tài liệu ghi 1280, có tài liệu ghi 1286. Năm 1304 Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên và ông mất năm 1346.

 

   Một con đường mà có hai tên.

     Trước nhà thờ Ba Làng (phường Vĩnh Ḥa- Nha Trang) có một con đường mang hai tên. Nếu tính từ Nam ra Bắc giáp với đường Điện Biên Phủ về phía tay trái con đường mang tên Dương Hiến Quyền và có lề đường, về phía tay phải con đường lại mang tên Ba Làng và không có lề đường. Xen kẻ dăy nhà phía tay phải đường có đôi nhà có biển tên là Dương Hiến Quyền. Nh́n biển tên nhà ở phía tay phải đường mang tên Dương Hiến Quyền người đi đường có thể đoán biết chủ nhân ngôi nhà ấy không phải là người dân sống lâu đời ở Ba Làng.

   Tôi đă cố công truy t́m tiểu sử nhân vật Dương Hiến Quyền, nhưng không hề thấy xuất hiện tên nhân vật này. Đọc bài viết “ Ngân hàng tên đường phố” của tác giả Thủy Ngân có ghi: “ Đến bây giờ vẫn chưa có ai trả lời rơ ràng Dương Hiến Quyền là nhân vật nào mà được lấy tên đặt cho đường ở khu Ba Làng” (1).

   Dân Ba Làng (Vĩnh Ḥa – Nha Trang) có quê gốc ở  ba làng mang tên là Như Xuân, Ngoại Hải, Sung Măn ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Sau năm 1954, họ di cư vào Nam theo Hiệp định Genève và thành lập xứ đạo mang tên Ba Làng.

   Được một người quen cho biết là Dương Hiến Quyền không phải là một nhân vật,  nhưng mà là ba nhân vật tên là Dương; Hiến; Quyền. Ba ông này là người ở quê gốc ngoài Tĩnh Gia, Thanh Hóa được dân Ba Làng kính trọng. Nguồn tin này chưa được kiểm chứng.

 

   Nhân vật Trần Kim Hùng

 Con đường nối đường Tháp Bà và Cù Huân (trước đây là con đường xuống cảng cá Cù Lao) hiện được mang tên là Trần Kim Hùng. Tra trên google không thấy xuất hiện tiểu sử nhân vật Trần Kim Hùng. Rất may tôi được một bậc đàn anh học cùng trường, sinh khoảng 1949-1950, sống tại Cù lao – Tháp Bà cho biết là hồi học Tiểu học tại Trường Lasan (đồi Lasan) là bạn học chung một lớp với Trần Kim Hùng và Trung Úy  Người nhái trong quân đội VNCH là Lê Văn Đơn quê xứ đạo Ngọc Thủy (trước đây gọi là G̣ Dê, thuộc khóm Ngọc Thảo, phường Ngọc Hiệp), là một trong những tử sĩ chết trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974.

 Theo lời kể, Trần Kim Hùng là người hiền lành, sống với mẹ già, được “ kách mệnh” giác ngộ và nhận nhiệm vụ cầm lựu đạn “diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước” ( ngày nay hành động ấy xếp vào thành phần “khủng bố”). Đang trên đường thi hành nhiệm vụ, không biết do run sợ hay sao, Trần Kim Hùng bị vấp té, lựu đạn nổ làm Trần Kim Hùng tử nạn. Sau ngày “giải phóng” nước nhà, chính quyền cộng sản phong Trần Kim Hùng làm liệt sĩ và lấy tên Trần Kim Hùng đặt cho con đường mà Trần Kim Hùng đă “chết trong khi thi hành nhiệm vụ”.

 

   Đường Phạm Ngũ Lăo có bị xóa sổ không?

   Ở Nha Trang con đường ngắn nhất có lẽ là con đường mang tên Phạm Ngũ Lăo. Đường Phạm Ngũ Lăo nối đường Pasteur và đường Hàn Thuyên. Trên đường Phạm Ngũ Lăo, một bên là vách tường sân quần vợt (tennis), một bên chỉ có trường Tiểu học Xương Huân và một ngôi nhà dân mà thôi. Cách nay khoảng một năm, sân quần vợt dời đi nơi khác để nhường đất mở rộng trường Tiểu học Xương Huân, như vậy hiện nay (năm 2019) đường Phạm Ngũ Lăo bị xóa tên trên bản đồ thành phố Nha Trang.

   Lúc nhỏ chúng tôi biết đến danh tướng Phạm Ngũ Lăo đời nhà Trần qua bài “ Ngồi đan sọt mà lo việc nước”. Câu đối ở Phù Ủng vọng từ( Hà Nội) nơi thờ vọng Phạm Ngũ Lăo đă nói lên tất cả công trạng của ông:

  -Văn thi thao lược, thiên cổ tịnh hiền, hào dược thạch minh bi, hải hồ vịnh sử.

  -Mông, Thát, Chiêm, Lao, nhất thời giai úy phục, Trần triều kỷ tích, Việt quốc lưu danh .

   (-Văn thơ thao lược, muôn thuở ngợi hùng tài, lời răn khắc đá, biển sông ca vịnh.

    - Nguyên- Mông, Chiêm-Lào, một thời đều úy phục, Trần triều ghi công, sử Việt lưu danh).

   Khu vực nhà ở của người dân đang sinh sống được Nhà nước quy hoạch, th́ Nhà nước cấp đất “tái định cư”. Không biết con đường Phạm Ngũ Lăo có được “tái định cư” hay không? Mong rằng khi được “tái định cư” con đường mang tên Phạm Ngũ Lăo sẽ có chiều dài xứng với công trạng của ông.

 

Đỗ Thúc Tĩnh chưa có tên đường ở Khánh Ḥa.

 Ông Đỗ Thúc Tĩnh, người quê xă La Châu, tổng Phước Tường Thượng, huyện Ḥa Vang, tỉnh Quảng Nam( nay là thôn La Châu, xă Ḥa Khương, huyện Ḥa Vang, thành phố Đà Nẵng), sinh năm Mậu Dần (1818), lúc nhỏ có tên Đỗ Như Chương. Thi đỗ cử nhân khoa Bính Ngọ (1846) , thi đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thân (1848).

   Năm 1853 được bổ làm Tri phủ, phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Ḥa. Ông giữ chức Tri phủ Diên Khánh cho đến năm 1858 thăng lên chức Án sát tỉnh Khánh Ḥa và năm 1859, thăng lên chức Bố chánh là chức quan đứng đầu tỉnh Khánh Ḥa.

  Ông đă có công rất nhiều với đất Khánh Ḥa. Đại Nam liệt truyện ghi: “Bấy giờ Diên Khánh dất bỏ hoang, dân hao ṃn, Thúc Tĩnh t́m mọi cách vỗ về, mộ dân xiêu đến lựa đất cho ở, làm nhà cửa cho, cấp cho điền khí, kẻ ốm đau thời thuốc thang, kẻ đói rét thời chẩn cấp được người ta gọi là Đỗ phụ” (2).

     Tấm bia đá khắc năm 1858 lúc ông Đỗ Thúc Tĩnh đang giữa chức Án sát Khánh Ḥa, hiện đặt ở sân Văn miếu Diên Khánh đă có lời khen tặng ông là một con người: “ Cần-cán-công-liêm lại-dân tín ái”( Cần-cán-công-liêm, quan-dân đều tin yêu)

     Ông mất năm 1862 tại Định Tường (Nam Kỳ) trong lúc đang lo việc chống Pháp. Một nhân vật mà người dân Khánh Ḥa tôn làm Đỗ phụ (người cha họ Đỗ), nhưng từ trước tới nay, ở Khánh Ḥa chưa có một trường học, chưa có một đoạn đường mang tên Đỗ Thúc Tĩnh. Thật là tiếc thay!.

   Trước năm 1975, Nha Trang có những đường như Gia Long,Hoàng tử Cảnh, Duy Tân, Hàm Nghi, Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản… nhưng sau năm 1975, do có cách nh́n phiến diện về lịch sử của những người cộng sản, nên chính quyền cách mạng “giải phóng” những tên đường ấy thay bằng tên khác. Rất may là tên đường Pasteur, Yersin vẫn c̣n duy tŕ!

  Việc đặt tên đường cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo ư kiến của những người am tường lịch sử chứ không phải đặt một cách tùy tiện. Tùy theo nhân vật mà lựa đường để đặt tên. Đúng ra ở Nha Trang tên Nguyễn Du phải đặt ở một con đường khác cho xứng với hành trạng của cụ, chứ không thể đặt tên ở một con đường có chiều dài khiêm tốn, ít người qua lại như hiện đă có.

   Hiện nay ở Nha Trang có nhiều con đường mang tên nhiều nhân vật nghe lạ huơ, lạ hoắc, hỏi lư lịch trích ngang về nhân vật ấy th́ chẳng ai biết ất giáp ǵ cả!

 

 

 

                                                                   Nguyễn Văn Nghệ

   Phú Lộc Tây- Thị trấn Diên Khánh- Khánh Ḥa

 

 

 

 

 

 Chú thích:

 

  1-https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/thoisu-suyngam/201808/ngan-hang-ten-duong-pho-88086635

  2- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tập 3-4. Nxb Thuận Hóa, tr.596

 

 

 

 


 Nguyễn Văn Nghệ

09/2019

 

 

 

 

 

 

 

 

                                            

 

Thơ & Truyện Nguyễn Văn Nghệ           |             www.ninh-hoa.com