|

 
  
PHẦN 3:
Chiều 29-6-2013, sau khi chia tay thầy cô và các
bạn, nhóm chúng tôi lên đường đi Dục Mỹ chơi suối nước nóng và thăm vài
người bạn cũ. Ngoài cô Đào, các bạn Thu Thủy, Tuyết Hồng, Hoàng Lan và mấy
chị em tôi, chiều nay cùng đi có Châu Thị Thanh Mận và các anh chị Lê
Kiểu, Võ Sa, Nguyễn Ái...

Từ phải qua: Thanh Mận, cô
Đào, Phương Hiền, Hoàng Lan, Nguyễn Ái, Thu Thủy, Võ Sa, Tuyết Hồng, Lê
Kiểu

Từ phải qua: cô Đào,
Phương Hiền, Minh Khoa, Thu Thủy,
Võ Sa, Thanh Mận, Tô Thị Nhỏ, Hoàng Lan
Từ nhà hàng Hoa Lan, xe chúng tôi theo đường
Trần Quí Cáp qua cầu Dinh, chợ Dinh, đến Ngã ba Bùng Binh. Từ đây xe rẽ
phải đi đường Nguyễn Huệ qua Sân Vận động và trường Đức Linh, Bán Công
ngày xưa.
Mười năm nay, lần nào họp lớp xong tôi cũng tìm về con đường này. Và bao
lần, cả một thời quá khứ như mở lại từng trang...
Tôi chỉ cho các bạn và em tôi ngôi nhà số 19 đường Nguyễn Huệ, là nơi gia
đình tôi ở từ năm 1961 đến 1966 ( sau đó chuyển lên Dục Mỹ ). Xe qua nhà
cũ, lòng tôi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ... Nhà tôi ngày ấy
phía trước có hai cây trứng cá, hàng rào gỗ màu xanh vây quanh khoảnh sân
có để chiếc xích đu và một băng ghế gỗ cũng màu xanh. Tôi và nhỏ bạn
Nguyễn Thị Kệ hay ngồi đây nói chuyện trên trời dưới đất những năm 11, 12
tuổi. Sau nhà là ruộng lúa, xa xa uể oải dòng sông cạn chảy về phía Cầu
Gỗ. Vườn sau nhà có một bệ xi măng, chiều chiều tôi và em tôi Kim Tiến hay
ra đây hái hoa dại, nhặt dừa non rụng, vớt lục bình...chơi trò hàng xén,
bán bánh mì hay gói bánh ít... Có khi mình tôi ngồi thơ thẩn trong buổi
chiều tà, tự kể cho mình nghe lan man vài câu chuyện cổ tích. Đến mùa nước
lụt thì vườn sau nhà tôi nối liền với cánh đồng nước mênh mông, và tôi vẫn
lội ra bệ xi măng ấy nhìn nước cuồn cuộn chảy. Trong vườn, lũ chim bồ câu
không bay về ruộng quê mót lúa, gù gù quanh chuồng ra vẻ hiểu khi tôi an
ủi: " Chuồng cao lắm, không sợ ngập nước đâu! ". Mảnh vườn sau, ruộng lúa,
dòng sông cạn... mùa khô và mùa lũ... để lại nỗi nhớ sâu đậm trong lòng
tôi. Trong mấy mươi năm, rất nhiều lần cảnh xưa đã tìm về trong những giấc
mơ, lập lại và nối tiếp...

Ngày Xưa...1963...Suối nước nóng
Nhà tôi đối diện Sân Vận động, nơi người ta hay
làm lễ " Choàng vòng hoa chiến thắng " hay chào mừng gì đấy, và cũng là
nơi thỉnh thoảng có chiếu phim ngoài trời hay văn nghệ tâm lý chiến. Có
lần tôi được xem chị Lâm Ái Liên lớp tôi trình diễn bản nhạc Tình anh lính
chiến:
Xuyên lá cành trăng lên lều vải
Lòng đất ấm thương tình đôi mươi...

Chị
Lâm Ái Liên và Phương Hiền tại sân trường Trần Bình Trọng năm 1965
Tôi thích chị vì chị đẹp, hát hay, chăm học. Cùng lớp và chỉ hơn tôi 2,3
tuổi, nhưng chị " lớn " hơn tôi rất nhiều. Khi chị đã ra dáng thiếu nữ,
thì tôi vẫn là một đứa trẻ con. Lớn hơn chút nữa, một lần đi học sớm gặp
chị ở sân trường, tôi tò mò hỏi chị:
- Hôm nay chị Liên đánh phấn phải không? Hiền thấy chị đẹp hơn và là lạ.
Chị cười tươi:
- Cái này là kem Thorakao đó!
Chiều hôm ấy tôi năn nỉ Mẹ tôi xin một hộp Thorakao. Mẹ tôi rốt cuộc cũng
chiều tôi, sau khi giảng luân lý một hồi thật lâu. Đến bây giờ tôi vẫn còn
nhớ như in, cảm giác mát dịu êm ái khi lần đầu tiên xoa chút kem lên má.
Một rung động rất lạ nhen nhúm trong lòng tôi... Tôi soi gương cười ngu
ngơ. Trong gương cô bé 13 tuổi đang tròn xoe mắt khoe khoang: " Nhìn xem,
tôi rất xinh phải không? ". Nếu là nhà văn thì tôi đã viết: " Kể từ lúc ấy
cô bé chính thức thêm một tuổi, đấy là tuổi...mới lớn ".
Những hồi ức tươi đẹp như dòng sông êm đềm chảy mãi, cho tôi niềm vui ấm
áp trong suốt chuyến đi.

Xe qua cầu Bến Ghành, qua núi Đeo, qua cầu Dục
Mỹ... Chúng tôi ghé thăm chị Tô Thị Nhỏ và đón chị cùng đi chơi. Chị học
cùng lớp nhưng hơn tôi 3 tuổi, đúng mẫu mực phụ nữ quê tôi: là cô giáo
tiểu học ở vùng quê xa xôi, nhưng chị đã tần tảo trong những năm tháng
khó khăn nuôi các con thành đạt " kỹ sư, bác sĩ ". Chị thương tôi lắm,
từ thời còn đi học và đến giờ vẫn vậy. Năm nào chị cũng nấu vài món ăn
ngon để các em đi picnic suối nước nóng. Năm nay chị nấu món đà điểu xả
ớt, mang theo trứng gà nhà nuôi và vài trái mít cây nhà lá vườn. Chị còn
mang theo hai cái mền lớn - để làm gì? Chị cười bí mật: " Chút nữa sẽ
biết! ".
Suối nước nóng Dục Mỹ (bây giờ có tên là Trường Xuân ), cách phố chợ
khoảng 8 km. Vị trí nằm xa các khu du lịch nên ít người lui tới, nhờ đó
còn giữ nguyên nét hoang sơ. Nơi đầu nguồn, nhiều ghềnh đá chớn chở xếp
chồng chất lên nhau, nước rất nóng gần 80°C
từ các khe đá lún phún tuôn ra. Ghềnh đá nóng hừng hực, hơi nước tỏa
nghi ngút.


Tắm bùn... suối nước nóng với ước mơ trở
thành... cô Tấm !
Chị Nhỏ quảng cáo:
- Em nào muốn đẹp thêm, lại đây xông hơi thiên nhiên sẽ đẹp ngay. Em nào
đau lưng nhức gối, lại đây xông hơi một chút sẽ nhẹ ngay...
Rồi chị phát mền:
- Con trai riêng, con gái riêng, nhớ nha!
Chúng tôi nghiêm chỉnh theo lời chị, ngồi xúm xít cho chị trùm mền. Xông
hơi hay thiệt, chút xíu mà ai nấy mồ hôi đầm đìa. Đẹp thêm thế nào chưa
biết, nhưng nhức mỏi thì đúng là hết liền!
Xa một chút, các bạn ngồi ngâm chân, xuýt xoa: " đã quá! đã quá! "
Xa thêm chút nữa là một ao cạn, diện tích khoảng 500 m2, chứa
đầy bùn đen phảng phất mùi lưu huỳnh. Nước trong ao xăm xắp đến đầu gối và
đã bớt nóng. Nhìn bùn đen hơi ghê ghê... Chị Nhỏ cả quyết:
- Mấy người xuống tắm bùn đi, bùn nguyên thủy của suối nước nóng không dễ
có đâu, bảo đảm tắm rồi sẽ đẹp như cô Tấm!

Chị Tô Thị Nhỏ và Phương Hiền năm 2012
Ham đẹp, chúng tôi ào ào lội xuống ao tắm bùn.
Quả thật, tắm bùn suối nước nóng giữa rừng xanh hiệu quả tức thì, da dẻ
mịn màng đẹp hẳn ra!
Kế bên ao bùn là ao sâu nước đã nguội hơn còn khoảng 40°C. Chỉ có ba chị em tôi: Phương Hiền, Phương
Liên, Phương Tâm ham chơi, nhảy xuống ao lặn ngụp. Ngâm mình trong nước
ấm, vừa ăn trứng vừa cười khúc khích nhỏ to tâm sự, hứng gió mát hiu hiu
và nghe lá rừng xào xạc... cảm giác thật tiêu diêu!
Trứng gà đã luộc xong, thức ăn bày trên bàn đá, chúng tôi ăn uống cười
đùa râm ran cả góc rừng...
Tôi nhớ lại... Cách đây gần 50 năm, đôi lần Ba tôi dẫn mấy chị em tôi lên
đây ngâm chân suối nước nóng. Bẵng một thời gian dài, chúng tôi không được
đến nữa vì khu vực mất an ninh. Bây giờ, cảnh cũ còn đây, mà Ba Mẹ tôi đã
quá cố từ lâu! Trong nắng chiều sắp tắt, gió rừng ngập ngừng như tiếc
nuối...Tôi nghe văng vẳng tiếng Mẹ tôi nhắc nhở: " Cẩn thận nghe con, suối
nước nóng ... nóng lắm đấy! "
Tôi thẫn thờ đáp lại: " Suối nước nóng phải nóng chứ! Suối nước nóng
chiều nay vẫn nóng... như xưa..."
MỜI ĐỌC TIẾP
PHẦN 4

  

Sài Gòn,
ngày 31 tháng 8 năm 2013
Nguyễn Thị Phương Hiền
|