![]()
|
|||||||
|
Kỳ 8:
Bác sĩ Hà Thúc Như Hỷ chữa bệnh say sóng.
Một giai thoại vui mà lần nào cũng được nhắc đến khi có những tham dự viên mới. Đó là chuyện bác sĩ Hỷ chữa bệnh say sóng. Lần đó Hội tổ chức đi Hòn Yến. Từ bờ Nha Trang, thuyền phải chạy khoảng hai tiếng đồng hồ mới tới nơi. Ban đầu biển êm, sóng lặn. Ai nấy đều cười nói rôm rả. Thuyền cứ vun vút trên mặt biển như đi trên hồ. Ca hát, làm trò. Cả nhảy đầm trên bong tàu. Thật là vui nhộn giữa cảnh trời mây, sóng nước. Chừng một tiếng đồng hồ sau, đi được nửa đường, gặp chướng, gió thổi nghịch, thuyền nhấp nhô, chao đảo, lắc lư, nhồi lên, nhồi xuống như con ngựa bất kham. Tiếng cười nói dần dần im bặt và đâu đây đã nghe tiếng nôn, ọe. Tiếng nôn ói ngày càng nhiều. Quí bà, quí cô lần lượt nằm đài. Đúng là ngất ngư con tàu đi. Anh Khanh, trưởng nhóm, vội vàng đi tìm bác sĩ Hỷ để lên giúp bệnh nhân. Tìm mãi mới thấy bác sĩ nhà mình cũng đang khom lưng, ói ra mật xanh, mật vàng dưới khoang tàu. Khanh kêu lên rối rít: - Anh Hỷ! Anh Hỷ! Mau mau lên giúp các bà, các cô bị say sóng, nằm la liệt trên bong kìa! Chỉ nghe tiếng bác sĩ Hỷ thều thào đáp lại: - Liệt cho nó liệt. Tau cũng sắp chết đây. Tau không chữa được tau, thì chữa được ai! Khanh vừa ôm bụng cười gần chết, vừa kể lại như vậy.
Một chuyện rủi ro đầy đau buồn và cũng là một cái tang chung cho Hội Sao Biển.
Sau thành tích vẻ vang kỳ thi săn bắn vừa qua, anh Hưng giới thiệu với chúng tôi thêm một người mới, đó là Di, học trò của anh, cũng ham mê bộ môn này. Di mới mười bảy tuổi nên không đủ điều kiện gia nhập theo điều lệ của Hội là phải 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, thể theo lời khẩn khoản của Di, chúng tôi vẫn cho tháp tùng trong những lần ra khơi.
Hôm ấy, trời vẫn xanh và nước vẫn trong và ấm như mọi ngày của tháng bảy. Chúng tôi từng cặp phóng mình xuống nước khi thuyền vừa đến khu vực Bãi Trũ, và hăng say sục sạo những nơi quen thuộc để săn tìm mồi. Đến trưa về bãi, kiểm điểm nhân số thấy thiếu Di, chúng tôi tỏa khắp nơi đi tìm. Vừa hú vừa thổi còi. Âm thanh dội vào vách đá vẫn không thấy tiếng đáp lại. Cả tiếng đồng hồ sau, chúng tôi nghe tiếng anh Hay la bài hãi: - Cứu! Cứu! Chúng tôi vội vã lên hết trên thuyền để đến chỗ anh Hay đang kêu cứu. Vẻ mặt Hay hoảng sợ khủng khiếp, tay run run chỉ vào hang đá, sóng đang vỗ ì ầm, miệng run lập cập nói không rõ lời: - Chết rồi! Chết rồi!
Anh Khanh và anh Khải vội vã phóng xuống nước, lặn vào hang. Chúng tôi lục tục theo sau. Đến nơi đã thấy hai anh đang kéo thi thể của Di ra khỏi hang. Xác Di đã tím. Tiếng khóc anh Hay hù hụ, ồm ồm trên thuyền, nghe não lòng làm sao.
Sau này, theo suy đoán, có lẽ Di quá mê đuổi theo cá, chắc cũng khá lớn, nên khi bắn được rồi thì không còn đủ hơi để ra khỏi hang. Thứ nữa, dây dù nối từ súng đến tên, quấn vào chân anh, chứng tỏ cá đã trúng tên, hoảng sợ chạy ra, gặp anh, lại chạy vào, nhiều lần như thế khiến anh không vùng vẫy được để kịp cắt dây, con dao còn nằm dưới đất. Mùa săn bắn năm đó không còn hứng thú nữa, chúng tôi chấm dứt sớm, mặc dù trời chưa đến tháng chín.
Vài cấm kỵ trước ngày đi săn: Ăn chay nằm đất - Kiêng cử sắc, tửu - Đi ngủ sớm.
Khi bạn cảm thấy trong người hoàn toàn khoẻ khoắn, sinh lực dồi dào là ngày đó bạn lặn sâu bao nhiêu cũng tới. Nếu đêm hôm trước, bạn không theo lời, cứ sa vào thú yên hoa, là ngày hôm sau đít bạn cứ nổi lềnh phềnh trên mặt nước. Càng cố, càng mất sức. - Thôi lên bờ, phụ làm đầu bếp cho xong. Đừng để sau đó làm cái bia cho anh em chọc cười.
Tạm chia tay biển trời thân mến - Hẹn lại mùa hè sang năm.
Cuối tháng chín đã có lất phất vài cơn gió bấc kéo nhau về. Nằm dưới nước hưởng cái nồng nàn hơi ấm của biển. Ngóc đầu lên đã rùng mình với gió pheo pheo lạnh của trời. Chúng tôi cố níu kéo thêm một vài lần nữa. Không thường xuyên hằng tuần, mà cách ra hai tuần một. Chiều chiều ngước nhìn trời, xem ráng mây, đỏ hay vàng, chúng tôi mới quyết định cho chuyến cuối tuần. Tháng mười, nước biển chia làm hai phần, nửa trên ấm, nửa dưới lạnh. Nhưng nửa trên nước lại đục lờ vì xác sứa bị sóng đánh tan ra thành hàng triệu triệu mảnh li ti, lợn cợn, dầy đặc che tầm nhìn. Buộc lòng phải lặn sâu xuống mới thấy được con mồi. Lại rùng mình vì chạm phải luồng nước lạnh bên dưới. Khi mới bắt đầu thì còn hăng, chưa thấy lạnh. Lúc về, sao thấy đường xa diệu vợi cả cây số mà người thi cứ run từng cơn. May mà thỉnh thoảng lại đái được một phùa. Nước đái ấm ơi là ấm.
Trong trường hợp lạnh cóng, bắp thịt rất dễ bị co rút, gọi là bị chuột rút. Nếu không được huấn luyện và kinh nghiệm để tự mình cấp cứu thì rất dễ bỏ mạng sa trường. Những lúc này bạn lại chứng kiến thêm một cảnh bi, hài. Mười anh hết tám đều leo lên ghềnh đá ngồi sưởi nắng, co ro như mấy con khỉ già, chờ thuyền đến vớt. Ngao ngán nhất là đã sưới ấm rồi, bây giờ lại nhào xuống nước bơi ra thuyền. Cái lạnh tăng gấp hai, gấp ba.
Giữa tháng 10, những cơn sóng dữ bắt đầu đánh tan nát những rạng san hô và những con sóng ngầm rất mạnh bứt trụi cả rừng mơ, đẩy chúng trôi dạt khắp biển từng đám khổng lồ, rồi cuối cùng tắp vào bờ nằm chất đống là mùa săn bắn của chúng tôi cũng chấm dứt theo. Chuyến cuối cùng, trên đường về, chúng tôi lưu luyến, vẫy tay chào giã biệt Bãi Trũ, Hòn Tre, Hòn Đụn, Hòn Chà Là... thầm hẹn mùa hè sang năm sẽ tái ngộ.
Vài hàng kết.
Vừa hưởng trọn mùa hè săn bắn năm 1974 đầy lý thú và vui vẻ thì chiến cuộc bắt đầu bùng lên dữ dội. Chúng tôi thực sự vĩnh biệt thú vui và không bao giờ gặp lại nhau ở biển Nha Trang nữa. Hội Sao Biển đã tan tác mỗi người một nơi, theo cơn bão lốc thời cuộc tháng 4 năm 1975. Nằm trong tù năm 76, được tin anh Rựa đã theo lời của Đức Trần Hưng Đạo, pho tượng đặt trước Trung tâm Huấn luyện Hải quân Nha Trang, chỉ tay ra biển Đông, anh đã dẫn vợ con tìm đường lánh nạn và đã được công an biên phòng ở Bãi Tiên âu yếm tặng anh một viên A.K sau lưng để tiễn anh lên đường. Anh ngã sấp mặt xuống cát biển. Con sóng biển nhẹ nhàng vỗ vào bờ như muôn thuở, liếm vào mặt anh lần cuối để giã từ anh, người đã từng yêu biển cả. Anh thực sự giã từ cuộc chơi. Thật ngậm ngùi cho anh, cho tôi và cho chúng ta.
Năm 81 tốt nghiệp Đại Học lao cải A.30, tôi về nhà, không biết làm nghề ngỗng gì, bèn đem đồ nghề ra tu bổ lại, mong xuống nước săn bắn kiếm cái ăn. Trở lại những chốn xưa, thật chạnh lòng khi thấy những rạng san hô đã bị người ta dùng cốt mìn, chất nổ và lựu đạn đánh phá tan nát, vụn vằn, không thể nào tái sinh. Cảnh vật hoang vu. Không còn tìm thấy được vài con cá cỡ bàn tay. Cả cá sọc dưa là loại dở nhất, thịt bủn, chúng tôi không thèm bắn mà nay cũng mất dạng. Tôm hùm càng hiếm. Ngày xưa ở mũi Kê Gà, họ hàng nhà tôm hùm xanh, tôm hùm đỏ, từ ông nội, ông ngoại đến cháu, chắc, nằm sắp lớp giơ tay chào mỗi khi chúng tôi đến thăm mà nay thì hang nào cũng vắng hoe, kẹt đá nào cũng trống trơn. Còn đâu những bầy cá sơn đỏ, đứng đặc nước, mỗi khi chúng tôi bơi vào hang phải lấy súng đùa chúng ra và chúng chạy tán loạn, phát ra tiếng kêu lách tách rất giòn giã, vui tai. Những đàn cá cơm con, hằng há sa số thân hình bằng đầu đũa, trong veo với hai con mắt nhỏ bằng dấu chấm, lung linh trong nước cũng biến mất. Và cả những đàn mực con bé xíu bằng ngón tay, thân hình đỏ rực, hàng hàng, lớp lớp bơi ngay ngắn như những khối lính đi diễu hành trong ngày Quốc Khánh cũng mất tăm. Cảnh đấy, người đây luống ngậm ngùi.
Cũng vì mối lợi trước mắt, nhất là sự ấu trĩ trong kiến thức khoa học, người ta đã không từ nan một thủ đoạn nào để chiếm đoạt thiên nhiên, không cần đến hậu quả hệ lụy ra sao! Trên rừng thì đẵn trụi hết cây lớn, cây con. Dưới biển thì phá sạch cả một môi trường sinh thái, rừng san hô, một nơi mà các loài thủy tộc cần chỗ trú ẩn và sinh sản. Cái gì cũng phải trả cái giá của nó. Rừng hết cây, mưa lũ hằng năm, không còn gì ngăn chận, giữ nước. Mùa mưa thì ngập lụt liên miên, đất màu mỡ bị xói mòn, cuốn trôi hết. Mùa nắng thì hạn hán, khô cằn. Dân quê càng thêm đói khổ, xác xơ. Biển cả, cá tôm đã bị tiêu diệt khi còn trong trứng nước, không còn khả năng sinh sản, dân nghèo sống về nghề chài lưới đã nghèo lại càng thêm mạt rệp.
Nhưng “ai chết mặc ai, tiền thầy bỏ túi” trước đã.
… ? ˜ { ™ @ … Nguyễn Thanh TyQuincy, mùa đông năm 2002
|
||||||
|