Trang Thơ & Truyện: Nguyễn Thị Thanh Trí                |        www.ninh-hoa.com

Nguyễn Thị Thanh T

  Cựu học sinh trường:
 Nữ Trung học Nha Trang
   



Hiện cư ngụ tại:
 Việt Nam

 

 

 

 

 
GỞI LẠI

 YÊU THƯƠNG...
Nguyễn Thi Thanh Trí

  Năm nay 2020 không có mùa hè chỉ có mùa hạ(!).

Học sinh đâu có nghỉ hè, à mà sao nói nghỉ hè mà không nói nghỉ hạ ta! Từ ra Tết, tụi nhỏ nghỉ một lèo từ Xuân qua Hạ, từ tháng Giêng đến tháng Tư, mà tháng Tư nhuần mới đi học lại, là nói theo âm lịch. Corona làm ta xa ra...xa ra...xa hoài lâu lắc. Mấy tháng! 

Dù hè hay hạ thì cái nắng vẫn gay gắt, cái nóng nung người. Màu đỏ rực của phượng vĩ toả bóng hoa xuống sân trường mà không có học trò chạy nhảy, không có người như tui ngày xưa cứ đi nhặt hoa phượng về ép trong lưu bút. Một anh Phòng Giáo dục nói với tui” Bây giờ tụi nhỏ không có buồn khi hè đến, không còn hát” Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn...” vì nó đến trường hoài, tiếng trống trường vẫn vang, tụi nhỏ đi học thêm, ngày nào cũng gặp, cổng trường vẫn mở”. Mấy năm nay còn thêm hoa giấy, màu đỏ trắng cam...có khi một chậu ghép nhiều màu. Mà lạ! Càng nắng hoa phượng, hoa giấy càng tươi càng khoe sắc, nhất là màu đỏ rực rỡ. Có đường phố Nha Trang trồng toàn hoa giấy hai bên đường, cành giao nhau, hoa nở thắm sắc, đi trong bóng hoa râm mát ngọt ngào trong cái nắng mùa hạ. Ve kêu, kêu vang, một con kêu thế là giàn đồng ca mùa hạ ra rả hoà nhịp điệu, giục giã hoa phượng hoa giấy càng đỏ, giục giã mọi người kêu nóng quá, nắng quá, không nghỉ trưa được càng nôn nao trong hè. Năm nay càng nôn nao buồn buồn...giãn cách xã hội không đi đâu, hội thơ không họp được, bạn bè kêu nhớ quá; bạn cafe cũng không, quán xá đìu hiu vắng ngắt; học sinh không đi học nhớ bạn nhớ trường...Tôi ở trong phòng nhìn ra cây xoài cây mít đứng gió nặng trĩu trái, cây chuối tàu lá úa vàng, không có phượng đỏ chỉ có màu xanh dõi mắt tìm mấy chú ve sầu. Rồi cũng qua: Việt Nam hỡi! Việt Nam ơi! Cùng đoàn kết đánh bay corona...tôi mang màu đỏ của phượng, màu xanh của lá, âm vang tiếng ve theo xe bạn vào Sài Gòn. Ngôi trường Phổ thông Trung học Thanh Đa, trường Mầm Non gần nhà không có hoa phượng chỉ có lá bàng xanh ngắt. Xe cộ đường phố nhộn nhịp, tiếng còi tin tin. Mùi cafe Highland, Viva nồng gắt thơm đậm làm mấy chú ve lo ngửi cafe quên cả ca hát. Không có tiếng ve, không có hoa phượng hoa giấy...tôi ấp ủ mùa hạ quê hương buồn rưng rức.

Tít tít...tin nhắn đến từ bạn ở Úc” Muốn về mà không về được. Nhớ ngày hè mấy năm trước hai đứa mình cùng đi...Ừ, nhớ quá! 

Ngày đó, bạn gọi về Trí ơi! Hai bạn mình đi tặng quà các em học sinh giỏi và Bệnh viện Tâm thần nhen! Vui quá! Làm việc thiện là tốt rồi Thuận Hồ ơi! Bạn từ hồi nẵm nào, từ hồi não hồi nao, từ hồi mới ra trường dạy rồi chia xa mỗi người mỗi cảnh. Bạn cứ đi đi về về, những lần cúng giỗ, Tết đến là thấy xuất hiện. Nhớ nhà quá, nhớ quê hương quá, không về không được. Về thì không đi đâu hết, ở trong nhà đi lên một miếng đi xuống một miếng...muốn lên ký từng ngày. Và về thì không gọi ai, chỉ gọi mình, gọi tới gọi lui gọi xuôi gọi ngược, đón đón đưa đưa, đi vòng vòng khắp xóm, bánh ướt mắm nêm, bún cá, bắp nướng, cafe vỉa hè ngắm người đi đường, chè chuối, xu xoa hột lựu chợ Thành. Mà lúc ấy còn má già, cháu nhỏ xíu xíu, thương bạn một mình cũng chạy tới chạy lui. Lần này, bạn có ý tặng quà phần thưởng học sinh giỏi nhân lễ tổng kết năm học. A! Đúng bài rồi. Dân giáo dục mà. Sáng mùa hè đẹp trời, hai bạn đến trường Diên Phước 1 dự Lễ Tổng kết năm học và phát quà luôn. Vẫn là ngôi trường mà mình hằng đến sao lòng vẫn rưng rưng. Là hoa phượng từng chùm rợp trời được gọi là hoa học trò đỏ thắm, cây bàng xoè tán lá xanh um, cây dương ven hàng rào, trường trông trang trọng hơn trong buổi lễ. Tôi đã đi hầu hết các trường trong huyện, trong tỉnh, trong những lần công tác, thanh kiểm tra, báo cáo chuyên đề thay sách Cải cách giáo dục, giám khảo giáo viên dạy giỏi...mà bệnh nghề nghiệp hay sao đó, đi đâu cũng nhìn ngang nhìn dọc tìm nhìn những ngôi trường. Các trường đều kiến trúc gần giống nhau mà sao cứ thích nhìn, thích khám phá. Đến trường, các vị lãnh đạo xã Diên Phước, Hiệu trưởng, giáo viên chào hỏi bắt tay vui, quen mà, cùng làm việc với nhau nhiều. Lần này về dự là khách mời không như những lần trước làm việc, thanh tra...chắc dễ thương hơn! Tiếng trống trường vang lên. Học sinh đang chạy nhảy vội chạy đến sắp hàng tăm tắp, trả lại không khí trang nghiêm buổi lễ. Xúc động quá! Mấy năm xa trường giờ mới được ngồi hàng ghế này nhìn lại quang cảnh trường học. Quay sang thấy mắt bạn đỏ hoe. Sao nhớ thời còn làm việc rồi quay về nhớ hồi nhỏ đi học. Sáng sớm ăn vội vàng bánh ướt, ôm cặp chạy theo bạn, đi học về là lúc nào tay chân áo quần cũng dính đầy mực. Nhớ lớp học thầy cô giảng bài. Nhớ ông thầy giáo già cầm tay tập viết những nét chữ đầu đời, nhớ những giờ Lịch sử mà cô giáo lớp Nhất giảng hay, có lần cô gọi tôi lên bảng lớn, tay cầm phấn, vừa nói vừa ghi những điểm chính trong bài bằng dàn ý để cuối cùng tổng kết bằng dấu ngoặc lớn Rối ren dưới triều vua Lê Ngoạ Triều. Và tôi nhớ bài Học thuộc lòng ngày xưa:

 GIỜ QUỐC SỬ

 

Những buổi sáng vừng hồng le lói chiếu

Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê

Chúng tôi ngồi im lặng lắng tai nghe

Tiếng thầy giảng khắp trong giờ Quốc sử

Thầy tôi bảo:” Các con nên nhớ rõ

Nước chúng ta là một nước vinh quang

Bao anh hùng thuở trước của giang san

Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc

Các con phải đêm ngày chăm chỉ học

Để sau này mong nối chí tiền nhân

Ta tin rằng sau một cuộc xoay vần

Dân tộc Việt vẫn là dân hùng liệt

Ta tin tưởng không bao giờ tiêu diệt

Giống anh hùng trên sông núi Việt Nam

Bên những trang lịch sử bốn ngàn năm

Đầy chiến thắng, vinh quang và hạnh phúc.(*)

Còn bài học Địa Lý với thể song thất lục bát :

 

 TẬP VẼ BẢN ĐỒ

 

Hôm qua tập vẽ bản đồ

Thầy em lên bảng kẻ ô rõ ràng

Ranh giới vẽ phấn vàng dễ kiếm

Từ Nam Quan cho đến Cà Mau

Từng nơi thầy thuộc làu làu

Đây sen Đồng Tháp đây cầu Hiền Lương

Biển Đông Hải trùng dương xanh thẳm

Núi cheo leo, thầy chấm màu nâu

Tay đưa mềm mại đến đâu

Sông xanh uốn khúc, rừng sâu chập chùng

Rồi với giọng trầm hùng thầy giảng:

“ Giống Rồng Tiên chói rạng núi rừng

Trải bao thăng giáng, phế hưng

Đem giòng máu thắm bón từng gốc cây

Làm không khí giờ đây ta thở

Đường ta đi, nhà ở nơi này

Tổ tiên từng chịu đắng cay

Mới lưu truyền lại đêm ngày cho ta

Là con cháu muôn nhà gìn giữ

Đùm bọc nhau sinh tử cùng nhau

Tóc thầy hai thứ từ lâu

Mà tài chưa đủ làm giàu núi sông

Nay chỉ biết ra công dạy dỗ

Đàn trẻ thơ mong ở ngày mai

Bao nhiêu hy vọng lâu dài

Dồn vào tất cả trí tài các con(*)

Tôi nhớ hồi học lớp Nhì( lớp Bốn) hay lớp Nhất( lớp Năm) thầy có dạy phương pháp vẽ bản đồ Việt Nam, dựa vào đường nét nháp vẽ thành bản đồ tỷ lệ đúng, sau đó xác định thủ đô, thành phố lớn, dãy Trường Sơn, những sông lớn, đồng bằng lớn. Giờ thì học sinh không biết vẽ bản đồ Việt Nam, thủ đô, dòng sông, vùng miền...cũng nói sai. Ngoài ra, còn có bài Trận cầu quốc tế, lấy cảm hứng từ chiếc cúp vô địch đầu tiên và duy nhất cho đến bây giờ của Việt Nam tại Đông Á Vận hội trên sân Merdeka của Malaysia vào cuối thập niên 50 với những tên tuổi vang bóng một thời: Tam Lang, Ngôn, Cù Sinh, Vinh” đầu sói”, Cù Hè, Rạng” tay nhựa”...Bài thơ ca ngợi bóng đá, môn thể thao số 1 ai cũng biết và ham thích, không những tả trận đấu rất hay mà còn là một bài học ca ngợi sự đoàn kết và lòng tự hào dân tộc:


 TRẬN CẦU QUỐC TẾ

Chiều chưa ngã, nắng còn gay gắt lắm

Hai đội cầu hăng hái tiến ra sân

Tiếng hoan hô thêm dũng mãnh bội phần

Để cổ võ cho trận cầu quốc tế

Đoàn tuyển thủ nước nhà hơi nhỏ bé

Nếu so cùng cầu tướng ở phương xa

Còi xuất quân vừa lanh lảnh ban ra

Thì trận đấu đã vô cùng sôi nổi

Tiền đạo ta như sóng cồn tiến tới

Khi tạt ngang, khi nhồi bóng, làm bàn

Khiến đối phương thành rối loạn hoang mang.

Hậu vệ yếu phải lui về thế thủ

Thiếu bình tĩnh, một vài người chơi dữ

Nên trọng tài cảnh cáo đuổi ra sân

Quả bóng da lăn lộn biết bao lần

Hết hai hiệp...và đội nhà đã thắng

Ta tuy bé nhưng đồng lòng cố gắng

Biết nêu cao gương đoàn kết đấu tranh

Khi giao banh, khi phá lưới, hãm thành

Nên đoạt giải dù địch to gấp bội.(*)

 

Những bài này tôi thuộc mày mạy đôi chữ vài câu, về, thế là vô Internet tìm tòi. Ngồi dự mà cứ nhớ miên man thời đi làm, đi học với trang sử hào hùng dân tộc. Khi cô Tổng phụ trách mời lên phát thưởng, vội bước lên nhìn các em học sinh thương vô vàn. Chị bạn Thuận Hồ lên trao quà tặng học sinh giỏi và mong trường Diên Phước 1 tiến vươn lên đầu bảng.

Sau đó, hai bạn đi thẳng lên Bệnh viện Tâm thần Diên Phước. Thật ra đây là bệnh viện tâm thần lớn, chi nhánh của Bệnh viện Tâm thần Trung ương mà trên địa bàn Diên Phước nên gọi tên này luôn. Bệnh viện được xây mới lại một màu trắng dìu dịu, kiến trúc đẹp, cây cảnh, phun nước, hoa giấy đỏ hồng...có phòng trưng bày sản phẩm bệnh nhân làm: tờ giấy vẽ hình đủ thứ, chiếc lồng đèn Trung thu, đan rổ rá, thúng mủng, nong nia, đan mũ...có mảnh vườn cho bênh nhân khi bình thường trồng những đám rau xanh ngắt. Bác sĩ Phó giám đốc tiếp chúng tôi cho biết đang cho bệnh nhân trồng nấm để tự lo đời sống và ngậm ngùi bệnh viện phải lo bệnh nhân chi phí nhiều, còn lắm khó khăn. Nhìn những bệnh nhân tâm thần trong khung cửa sắt, những khuôn mặt ngơ ngác, đôi mắt thất thần, áo xốc xếch quần ống cao ống thấp đi tìm...vợ, người ôm chặt búp bê, cái gối ru ru dỗ dành, nói luôn miệng, ngưới cứ leo lên cửa sổ cửa lớn...Hai bạn nhìn nhau, vội quay đi, thấy nắng chói chang ở mắt.

Cũng là rưng rưng mắt xúc động ở trường với bạn cũ với trường xưa với học trò yêu quý với những ngày tháng xa xưa...

Cũng là rưng rưng mắt buồn ở Bệnh viện Tâm thần. Thương lắm những mảnh đời bất hạnh! 

Xin gởi lại yêu thương cho tất cả: ngôi trường xanh lá một thời đi học đi làm, giáo viên thân yêu một thời đi dạy cùng nhau, học trò yêu quý với bảng đen phấn trắng, những khổ nghèo còn đang trôi dạt ngoài kia...với hoài niệm yêu thương và mong sao các em có cuộc sống ấm êm tốt đẹp, cuộc đời hát những bài ca...

 

 

(*) Ký ức về những bài Học thuộc lòng.
                                         Internet.

 

 

 

  NGUYỄN THỊ THANH TRÍ

 Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ tỉnh Khánh Hòa

 Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ Đường
Trầm Hương  Khánh Hòa

 

 

 Mùa Hạ 2020

 

 

 

 


 

 

 

 

 

Trang Thơ & Truyện: Nguyễn Thị Thanh Trí                |        www.ninh-hoa.com