Trang Văn Thơ Của Nguyễn Thị Thanh Tịnh               |                 www.ninh-hoa.com


Nguyễn Thị Thanh Tịnh

Cựu học sinh trường Trung học Sao Mai Đà Nẵng.
 Niên khóa: !965-1972



 

  Hiện sinh sống tại
Ninh Hòa, Việt Nam


 

 

 

 

 

 

LÀNG PHƯỚC ĐA 2


NGUYỄN THỊ THANH TỊNH

 

 

X

 

ổ xuống đèo Bánh Ít, đi một đoạn là đến ngã ba Ninh Hoà, thêm một trăm mét nữa là tới cầu “rầm rầm” - cái cầu làm từ những thanh sắt, nên khi xe chạy ngang thì kêu rầm rầm. Cách cầu vài trăm mét có con đường đất nhỏ giao nhau với Quốc lộ 1, phía bên trái là làng Phước Đa 1 thuộc xã Ninh Đa, phía bên phải là làng Phước Đa 2 thuộc thị trấn Ninh Hoà.

 

Cái làng thiệt kỳ! Nhà nhà đều có năm thứ không thể thiếu: tủ thờ, bồ lúa, cái võng, cái giếng, cái ghè nước uống. Tủ thờ để thờ gia tiên (nhưng người ta cứ gọi là ghế thờ, chẳng hiểu tại sao), nhà giàu nhà nghèo đều phải có là lẽ đương nhiên. Bồ lúa phải có vì nhà nào cũng có ruộng, mà có lúa là có tất cả: có gà, có vịt, có heo, có tiền...v...v… Cái võng để nằm đưa kẽo kẹt. Mình rất nhớ cái võng hồi đó: võng làm bằng lá gai, nằm giữa nhà trên và nhà dưới, mát rượi, mẹ và con cùng nằm đung đưa, cho đến khi con ngủ mẹ “thẹ thẹ” đặt con xuống võng, rồi làm công chuyện nhà. Còn cái giếng luôn có hồ nước lượt đi kèm, gồm sạn, cát, than cho ra dòng nước trong lành mát rượi, đem đổ vào ghè, rứa là có nước uống. Mình nhớ có lần anh bốn Ánh (Bs Lê Ánh) đến chơi, thấy ghè nước đóng nhiều rong đã lấy xơ dừa và muối chà rửa thật sạch. Anh ấy còn bảo nước này uống rất tốt, có đủ khoáng chất và tạm đạt vệ sinh. Hồi đó trong những ngày mới sinh xong ở cữ phải uống nước nghệ cả tháng, mình thèm ca nước ghè này vô cùng, chỉ trông mau chóng hết tháng để được uống ca nước ghè. Có lần các em mình từ Đà Nẵng vào chơi, thấy mình cầm ca nước ghè uống ừng ực đã bưng miệng cười bảo sao chị uống như thế, nhưng mình đã quen rồi nên thấy ngon và thích lắm.

 

Cuộc sống thật giản dị, môi trường thật trong lành. Các con mình lớn lên trong môi trường đó rất ít khi phải gặp bác sĩ. Chiều chiều chúng kéo nhau xuống cái lạch dưới cầu bà Xờ để bơi lội, đùa giỡn. Lạch nước trong veo, thỉnh thoảng mình cũng xuống đây giặt mùng mền, chăn chiếu…

 

Nhà này bước qua nhà kia toàn đi xuyên hàng rào, ít khi đi vào cửa chính - cái hàng rào mong manh ai bước qua bước lại cũng được. Trong làng không nhà nào có cánh cổng cả, cũng chẳng thấy ăn trộm, ăn cắp bao giờ. Ai cũng hiền lành và an phận, hình như không ai có ý muốn làm giàu, hay họ cũng chưa bao giờ nghĩ tới chuyện phải giàu. Người ta tới nhà nhau chơi chỉ cần phủi cái chân, rồi bạ đâu ngồi đấy, đất cũng được, giường, ghế cũng xong. Khát thì ra ghè mà uống.

 

À, còn cái tiếng “mày” nữa chứ. Con cũng mày, cháu cũng mày, em cũng mày! Mới nghe lần đầu mình thấy sao sao ấy, nhưng bây giờ mình cũng đã nói y như vậy. Thật chân thật và giản dị, mà cũng thắm đượm nghĩa tình!

 

Một năm có vài ba cây lụt - người ta không gọi là trận lụt mà gọi là cây lụt. Trời lụt nhỏ, mưa sơ sơ một ngày là nước xuống, nước tràn bờ ruộng, rồi vào vườn. Có năm lụt lớn thì vào nhà luôn, khắp bốn phía toàn là nước. Nhà ai có ghe thì chống ghe đi xuống đường quốc lộ, ở đó người ta bày bán đủ thứ thức ăn, vì chợ Dinh cũng có nước lụt. Ninh Hoà  lụt khắp nơi trừ những chỗ cao, và cũng nhờ đường quốc lộ cao nên đã chặn dòng nước chảy. Phước Đa 2 lụt lớn nhưng Phước Đa 1 lại không.

 

Lụt khoảng hai hay ba cây là có cá Rói xuống đồng, những con cá vàng ươm, nhỏ bằng ngón tay, kho với lá gừng, thơm thơm, béo béo, ăn hoài không chán. Đến mùa nước lụt, má quá giang chiếc đò hàng xóm xuống đường cái, khi về chắc chắn có cá Rói ăn. Mình nhớ má thường bảo khi nào cá Rói xuống đồng,  bìm bìm nở hoa là hết lụt. Mùa lụt qua thì nhà nhà bắt đầu tỉa đậu (đậu cô ve). Những hàng đậu trổ lá ra bông kết trái, chiều chiều xách rổ hái vô luộc, chấm mắm là có bữa ăn ngon. Có khi để già là có nồi chè đậu thơm ngon, người lớn trẻ con đều thích.

 

Chẳng biết từ đời nào mà phụ nữ ở đây rất thích ăn trầu, mới khoảng ngoài ba mươi đã thấy già, vì nhai trầu bỏm bẻm, mặc quần đen áo bà ba… Dường như chẳng ai nghĩ đến việc làm đẹp cho mình, mặc dù đời sống cũng có của ăn của để.

 

Xã  hội dần dần thay đổi… Ngày nay không còn ai gọi làng Phước Đa 2 nữa, mà là tổ dân phố 15, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hoà. Đèo Bánh Ít cũng được “gọt ngọn”, độ dốc ít hơn, an toàn hơn, trông giống cái bánh bao hơn là bánh ít. Cầu “rầm rầm” không còn rầm rầm nữa vì đã được xây lại bằng bê tông cốt sắt, nay gọi là cầu Nước Đục. Còn cầu Bà Xờ thì gọi là cầu Ninh Đa. Cái lạch nước trong veo dưới cầu Bà Xờ nay đục lờ đờ không còn ai xuống đó để tắm giặt, vì dọc theo lạch nước có nước xả thải của lò mổ heo, lò bún… Thế là con lạch trong veo đó chỉ còn trong ký ức mà thôi.

 

Công ty cấp thoát nước đã đưa nước sạch khắp Ninh Hoà, nhà nhà đều có nước sạch để dùng, nước giếng gần như chỉ còn để tưới cây, và dĩ nhiên rất khó tìm ra được cái ghè nước mát lạnh ngày nào. Tiếng võng kẽo kẹt cũng ít hẳn đi. Người ta cũng dẹp cái bồ lúa, vì lúa bán ngay sau khi mới gặt xong. Ai chứa lúa làm gì nữa khi giá lúa không tăng, chứa chỉ chật nhà và sanh chuột bọ. Riêng cái tủ thờ thì mọi nhà đều giữ, nhưng bây giờ trang hoàng bóng bẩy hơn, sang hơn, và cũng ít hơn nét cổ kính ngày xưa.

 

 Mình thích cái xóm đảo nằm lọt giữa con lạch và sông Dinh -  xóm nhỏ rất nên thơ, khoảng chừng vài chục nóc nhà, những nhà quay mặt ra sông Dinh mát mẻ quanh năm. Chiều chiều mình đi bộ dọc theo bờ kè ngắm dòng sông hiền hoà, xa xa là dãy núi Hòn Hèo, Hòn Lớn. Phong cảnh thật bình an, không khí trong lành, bao nhiêu phiền muộn đều tan biến. Nếu  được đi bộ với một người tâm đầu ý hợp  thì hay biết mấy nhỉ! Bờ kè sông Dinh đã ngăn dòng nước từ thượng nguồn đổ xuống mùa mưa lũ, nên tổ dân phố này không còn lụt nữa. Và những con cá Rói cũng mất dần, chỉ còn trong những câu chuyện mà thôi!

 

 

Đường qua xóm đảo

 

 

Bờ kè sông Dinh

Người dân ở đây bây giờ làm ruộng ít đi, đàn ông thường làm cho công ty tàu biển Hyundai Vinashin, còn phụ nử thích làm hàng thủ công mỹ nghệ cho Hợp tác xã Vĩnh Phước, Công Ty Bi Khang và những công ty nhỏ lẻ khác. Cuộc sống khá dễ chịu:  gạo mười ngàn đồng một ký, cá nục ba chục ngàn một ký… Hiếm thấy ai ăn trầu, các bà các cô bây giờ thích làm đẹp, nhìn chung trẻ và đẹp hơn xưa.

 

PHƯỚC ĐA 2, nơi đây mình đã sống 43 năm, thời gian dài gấp đôi khi mình ở nhà ba mạ, một chặng đường đời buồn có vui có với biết bao thăng trầm. Nhớ lại những năm khốn khó đã lâu, người ta rủ nhau đi vượt biên, rủ nhau mua con lai, mua hài cốt Mỹ… Riêng mình nhìn lên cây dừa có trái, nhìn ra ruộng có lúa , thế là yên tâm chẳng đi đâu nữa và  xem nơi này là quê hương thân yêu mãi mãi.

 

 

 

 

 

  NGUYỄN THỊ THANH TỊNH

Ninh Hòa, tháng 5 năm 2017

 

 

 

 

 

 

 

Trang Văn Thơ Của Nguyễn Thị Thanh Tịnh            |                 www.ninh-hoa.com