Trang Thơ và Truyện của Lê Văn Phan               |                 www.ninh-hoa.com

LÊ VĂN PHAN
 Sinh năm :1958
Quê quán : Thừa Thiên-Huế
Cựu Học sinh
Trung Học Võ Tánh,
Nha Trang

Rể Ninh Hòa

Nơi ở hiện tại:
Thành phố Nha Trang.

 

 

 

 

 

 


 

HỒI KÝ HÀNH TRÌNH

NHA TRANG-HÀ NỘI-TÂY BẮC

 

 Lê Văn Phan
 


 
 
 

 

Kỳ 1:

 

          Chần chừ mãi, sau đúng một năm (10/2009->10/2010) với sự động viên của bạn bè tôi bắt tay vào viết hồi ký kể lại chặng hành trình đã qua (Nha Trang-Hà Nội-Tây Bắc).

          Thạnh mang sứ mệnh của dòng tộc phía mẹ đi tìm mộ cậu ở Phú Thọ.

          Khoa mới sắm xe và cần phải đến Quảng Ninh vì công việc làm ăn.

          Phan không có lý do gì cả, chỉ muốn biết Hà Nội và muốn thoát ra khỏi căn bệnh đau bao tử.

          Mặc dù đang mùa mưa bão, ba chúng tôi vẫn quyết tâm lên đường.

          Sắm sửa linh tinh, mang theo cả nước mắm. Khoa háo hức vì mới mua xe và mới biết lái xe, muốn chạy thật nhiều cây số để rèn tay nghề và thỏa thích. Chàng ta chuẩn bị nào bản đồ, sách hướng dẫn du lịch,… Thạnh chuẩn bị thuốc và dụng cụ y tế phổ thông. Ba thằng ba lý do khác nhau quyết tâm, hăm hở lên đường.

 

          Chúng tôi rời Nha Trang lúc bốn giờ sáng, trời mưa nhẹ, đến Đại Lãnh một bên là biển, một bên là rừng, ở giữa là đường bộ và đường tàu chạy song song nhau. Ghé ăn sáng, mua chuối bỏ vào thùng đá liên tục có đến được Hà Nội không?

          Giữa Khánh Hòa và Phú Yên là đèo cả ngọan mục, có Hòn Đá Bia huyền thoại, có Vũng Rô bi tráng trong cuộc chiến tranh Nam-Bắc. Sau năm 1975 lại là điểm tranh giành khốc liệt giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Thật là bản chất “CON-NGƯỜI”. Trúc Chi trong “Tiếng kêu của con chim gõ kiến”.

          Đã nhiều lần đi qua nhưng Qui Nhơn Bình Định vẫn gây nhiều ấn tượng cho dân vùng biển chúng tôi. Phóng khoáng và giàu có tiềm năng, biết khi nào tiềm năng được giải phóng để dân nghèo Phú Yên, Bình Định không lang thang bán vé số và mua ve chai ở Nha Trang nữa…

          Chúng tôi đi trong mưa suốt cả ngày, mưa phía trước, mưa phía sau lúc nặng, lúc nhẹ, bọt tung trắng xóa hai bên xe. Chúng tôi lướt trong màn mưa của áp thấp nhiệt đới. Trong xe đầy đủ thức ăn, nước uống và ba thằng đang sung sức. Chúng tôi đang ở chặng đầu của chuyến hành trình giải quyết công việc và du lịch.

          Qua Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng suốt chặng đường vẫn còn dư âm của cơn bão đi qua, cây gãy đỗ, nước vẫn tràn đồng, … Quốc lộ một chạy giữa cánh đồng miền trung, nào bãi ngô, đồng lúa, cầu đường bộ, cầu đường sắt, sông, núi cứ lần lượt lướt qua mắt chúng tôi. Đồng quê miền trung Việt Nam còn nghèo lắm, một dãi đất khô cằn và chịu nhiều bão lụt. Chúng tôi chưa thể vào phố cổ Hội An, hẹn lúc quay về vì đích đến là Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ.

          Qua hầm Hải Vân hoành tráng và hiện đại vào ban đêm, một thoáng ước mơ về một Việt Nam giàu có. Một đèo Hải Vân lãng mạn, mây bay đỉnh núi, vực sâu biển cả bọt tung trắng xóa. Những văn nghệ sĩ, những ai có máu lãng mạn thì xin đi theo đường cũ. Chúng tôi đã đi qua bên lề của một Đà Nẵng năng động bậc nhất miền trung. Nghỉ tại Lăng Cô, ngày đầu tiên đã vượt qua sáu trăm kí lô mét. Một đêm Lăng Cô mát nhẹ …Sáng dậy loay hoay chuẩn bị xe, bộ phận bơm xăng có hơi trục trặc, không sao chỉ chậm một chút thôi, chúng tôi lên đường. Lăng cô sớm mai thật đẹp, vùng biển cong cong ôm mềm mại bãi cát trắng thiên nhiên như có một họa sĩ tài ba đang tô vẽ. Mong rằng chúng ta hãy trân trọng đừng đang tâm bôi bẩn và tàn phá chúng.

 

          Theo quốc lộ một xuyên Việt, chúng tôi đi về phía bắc đất nước, ngang qua Huế kinh đô cũ với bao lăng tẩm đền đài, bao thăng trầm và bi tráng. Chúng tôi hẹn với nhau lúc quay về. Xuống xe chụp hình và ngỡ ngàng với vĩ tuyến mười bảy có con sông Bến Hải với cầu Hiền Lương, nơi chia cắt hai miền đất nước. Miền Bắc và miền Nam Việt Nam phải bao nhiêu năm phải đổ bao nhiêu xương máu để nối hai bờ.

          Qua khỏi Quảng Trị đến Quảng Bình quốc lộ một thường chạy gần biển, ghé quán bên đường ăn trưa – Quán Hàu (Đồng Hới), nhà sàn gỗ, phía dưới là nước tiếp liền những cụm rừng nhỏ, xa kia về phía bên đường một chút là vùng biển lộng gió, món gà luộc với các loại rau mùi xoăn nhỏ rất thơm…

          Qua đèo Ngang cảnh vật nhỏ bé xinh xắn, mềm mại nên Bà Huyện Thanh Quan không tức cảnh sinh tình sao cho được khi đứng đó, ngày dần qua, bóng chiều bảng lảng:

 

 “Bước tới đèo ngang bóng xế tà.

 Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”

 

          Từ Quảng Bình đi Hà Tĩnh đến Nghệ An đi qua vùng miền trung nghèo khổ ít tài nguyên, thuần nông nghiệp, hải sản không thực sự phát triển mạnh, nắng hạn gay gắt, mưa lũ nhiều. Thương cho dân miền trung nghèo khổ cần cù chịu khó và kiên cường. Đến Nghệ An ẩm thực hơi khác, chúng tôi sử dụng tối đa chai nước mắm mang theo, trà, cà phê cũng khác nhiều theo hướng trà ngày càng đậm hơn, cà phê càng nhạt hơn, càng lúc càng khó uống. Lúc này mưa bão đã tạnh nhưng cái dư âm vẫn còn rớt lại đây đó trên đường. Chúng tôi nghỉ lại ở Quỳnh Lưu Nghệ An lúc mười giờ tối. Ở nơi này hầu như toàn vẹn cái không khí, cảnh vật của bao cấp còn giữ lại. Phòng ngủ rộng, tuềnh toàng, nhiều cửa nẻo, cũ kỹ, những phích nước Trung Quốc rỉ sét, bộ ấm tách trà ố vàng, chiếc quạt máy kêu rè rè suốt đêm, mùi ẩm mốc từ gường nệm và chăn gối thiếu vắng hơi người, cả đêm sợ ma tôi ngủ chập chờn và mong đến sáng. Chắc ở đây cũng có nhiều khách sạn tốt hơn nhưng do bọn tôi tìm khách sạn rẻ tiền. Qua Nghệ An chúng tôi đến Thanh Hóa vào giữa trưa, nghỉ lại ở quán ven đường dưới bóng cây thật râm mát. Xe xảy ra sự cố khá lớn, dây nối bơm xăng bị gãy, phải thay dây khác. Sau khá lâu loay hoay chúng tôi mừng rỡ tiếp tục lên đường, lúc này Thạnh và Khoa vẫn chưa cần đến bản đồ du lịch, bệnh đau bao tử của tôi tự dưng cũng biến mất, chuối ở Đại Lãnh cũng đã hết, chỉ còn một ít bánh ngọt, kẹo cao su và vài hủ nước yến, riêng nước khoáng Vikoda thì thoải mái. Quãng đường vừa rồi trời âm u, mưa nhẹ nên ít bụi, đỡ nóng nực, đường bằng phẳng nên chiếc xe cũ kỹ cũng đỡ “mệt nhọc”. Khoa càng chạy càng phấn khởi, thỉnh thoảng búng tay tách tách, tôi và Thạnh cũng thuộc diện bơ đời không lo lắng gì cả, cùng ăn, cùng ngủ, cùng đi và cùng chưa thấy khổ.

 

          Chúng tôi đến Ninh Bình, núi đá vôi nhiều hình dạng, cảnh vật hữu tình được mệnh danh là Hạ Long trên cạn. Kinh đô xưa của non nước bốn nghìn năm, Đinh Bộ Lĩnh với thập nhị sứ quân, kinh đô Hoa Lư bắt đầu của những triều đại: Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê sau này. Nơi mà Lý Công Uẩn đã ban chiếu dời đô (1010) từ Hoa Lư về Thăng Long (Hà Nội ngày nay), để rồi ngày nay con cháu kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long Hà Nội (01->10/10/2010).

 

          Món đặc sản ở Ninh Bình là dê núi, đến đây chai nước mắm đã bị bỏ quên ở đâu đó, bánh tráng công nghiệp như một mảng nhựa mỏng, cảm giác nhờn nhợn. Tuy nhiên mới nhai vài miếng, thật bất ngờ cái vị mềm mại, ngọt của thịt dê hòa quyện với mùi thơm của rau, giòn mát của trái sung, bùi bùi của lá sung chấm với một nước cay, sền sệt thật là ngon. Ở Ninh Bình ăn thịt dê, chợt nghĩ về Thọ, một người bạn hiền lành, chậm rãi vừa làm công chức vừa kinh doanh. Thọ với những năm tháng phát nương làm rẫy, đắp bờ nuôi tôm, cá, nuôi dê và kinh doanh nhà hàng thịt dê, … Những năm tháng hăm hở làm giàu rất sớm, trong khi đó đa số các bạn còn lại vẫn còn loay hoay với công ăn việc làm và còn rất “thanh bần”. Rồi cái ngày mở rộng thành phố Nha Trang về phía Sông Lô, bao nhiêu kế hoạch và trang trại của Thọ bị sụp đỗ, cay đắng với thế thái nhân tình, người quen người bạn là người trực tiến ra lệnh cưỡng chế trang trại của mình với gần cả ngàn con cá Mú trong lồng bè và nào heo, gà, dê, ngỗng trên núi,… Gác lại những kế hoạch làm giàu, Thọ trở về với anh công chức hàng ngày, đều đều lên lương nhưng không thấy bạn lên chức. Làm công chức nhà nước mà chân chính quá, không đa mưu túc trí, không lươn lẹo nịnh bợ, không có ai đỡ đầu,…thì dậm chân một chỗ là cái chắc, đành mong cho ngày tháng qua nhanh để về hưu (?!)

 

 

 Đón đọc Kỳ 2

                   

 

 

 

 

 

LÊ VĂN PHAN

Tháng 4/2012

 

 

 

 

 

 

 

 

Trang Thơ và Truyện của Lê Văn Phan             |                 www.ninh-hoa.com