trang Truyện và Thơ của Lê Thị Hoài Niệm              |                 www.ninh-hoa.com

LÊ PHAN TUYẾT

  Bút hiệu:
Lê Thị Hoài Niệm

Tốt nghiệp Sư Phạm Qui Nhơn và từng dạy học tại trương Tiểu học Phong Ấp, Ninh Hòa, Khánh Hòa.

Hiện cư ngụ tại:
Tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.


 

 

 

 


 


NHÀ TÔI
- Lê THỊ HOÀI NIỆM -

Tranh:
LL Huyền Chiêu

 
  

Kỳ 2:

         Nhưng tuổi thơ chưa hết mà cảnh thanh bình đã bị bọn người mệnh danh là “giải phóng miền Nam” lẻn về ban đêm cướp mất. Dù chỉ là một vài tên cắc ké lúc ban đầu, thỉnh thoảng mới lẻn về một lần, nhưng trong đêm trường thanh vắng, bốn phương thinh lặng như tờ, nhà nhà đóng kín cửa, người người đang trong giấc ngủ say, bỗng bị đánh thức bởi tiếng chó sủa râm ran, rồi kèm theo vài tiếng mõ tre, tiếng thùng thiếc với tiếng loa gọi: “Đồng bào thức dậy, mở cửa thắp đèn lên!” Trời đất quỉ thần ơi, họa may người có mình đồng da sắt mới không bị rợn tóc gáy, ớn lạnh sống lưng. Nhất là những người trong nhà tôi, từ lớn tới nhỏ, tới bà vú già đều run cầm cập. Bởi vì “cái nhà tôi” mấy lâu nay đã được trung đội dân vệ xã (sau đổi thành nghĩa quân) chọn làm bản doanh, ban ngày các chú các anh cứ ra vô hà rầm, nào súng carbine, súng ga-răng đem ra lau chùi, lên nòng rắc rắc, nào máy PRC-10 réo gọi râm ran, cứ: Anh-dũng, Bắc bình, Cải cách, Đống đa, Lê Lai, Tư tưởng, Vẻ vang, Non nước, v.v... oang oang ra tận đầu ngõ.

         Nhưng tối xuống, đêm về là họ lại đưa đơn vị đi... kích ở những vùng nào dân đâu có biết, mà bọn nằm vùng lại hay. Bởi vậy đã sợ càng thêm sợ, nhất là những đêm chúng kéo nhau vào nhà tôi lục soát, cái bồ lúa sau hè biến thành mật khu an toàn để ba má tôi cất giấu tất cả những vật dụng của các chú, các anh. Nhờ vậy cả nhà tôi thoát nạn, nhưng ba má tôi cũng phải “cúng” cả gạo lẫn tiền cho chúng mới được yên thân.

 

         Và rồi sáng hôm sau, bọn học trò nhỏ cắp sách đến trường làng, đã giật mình khi thấy trên tường hàng chữ viết bằng than nguệch ngoạc: “Mỹ thua rút về Mỹ, anh em binh sĩ thua rút về đâu?” Cũng kỳ lạ thiệt, hồi đó làm gì người dân quê đã biết ông Mỹ mặt dài hay ngắn, tóc đỏ hay vàng, da nâu hay trắng thì làm gì có chuyện Mỹ... thắng hay thua?

 

         Ấy vậy mà bọn chúng đã tuyên truyền đầu độc và cũng tại bị như vậy nên ba tôi sợ quá mạng, sợ bị bắt như ông Nội tôi năm nào, nên bèn bán ruộng bỏ làng, giao nhà cho dân vệ xã và theo binh sĩ rút về thành phố sống cho yên và để cho bầy con được tiếp tục cắp sách đến trường, khỏi phải nghe mấy ông già làng lên lớp: “Chữ nghĩa pho pho không bằng dí dò no cái bụng!”

 

         Nhờ thế về sau chị em tôi mới có ít chữ nghĩa mà truyền dạy lại cho lớp trẻ. Và kể từ khi ông anh cả của tôi tốt nghiệp trường “KBC bốn thằng một ca-rê” về làm huấn luyện viên ở trung tâm huấn luyện Lam Sơn ngoài Dục Mỹ, thì ba má tôi có thêm đám con nuôi bất đắc dĩ. Những người lính xa nhà rất cần một mái ấm gia đình để an ủi, để... lủi về tá túc sau những giờ hét khan cổ: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu!” Và nhất là những khi cạn túi hết tiền lương (thường thì nửa tháng đã cạn sạch rồi).

 

         Bởi vậy nhà tôi cứ y như là “Cư xá SĨ QUAN VÃNG LAI!” Không giống như cư xá Vãng lai góc Lý Thánh Tôn - Bá Đa Lộc ngay ngả sáu Nha Trang, cư xá nhà tôi được thành lập mà không có trợ cấp của chính phủ, lại chẳng nỡ thu tiền cơm tháng của sĩ quan trú ngụ, ăn nhờ. Và cũng bởi nhà tôi bỗng dưng biến thành cư xá vãng lai, mà mấy chị em chúng tôi không thuộc loại cà nhỗng, lại chưa quá đát, nhưng lại bị ế ngang xương, ế chùm ế đụp, ế thảm thương. Chị em chúng tôi có xuống đường phản đối ông anh tôi, nhưng ba má tôi lại bênh vực cho “Tình quân dân cá nước”.

 

         Và má tôi, sau những giờ đấu tranh với khói lửa trong bếp để tạo những bữa cơm ngon, bà hay thắp hương khấn vái bốn phương, tụi tôi cứ ngỡ bà khấn nguyện Phật Trời phù hộ để có tên con trai nào đem trầu cau tới rước đám con gái của bà. Bà sẵn sàng tống xuất chứ giữ làm gì mấy trái bom nổ chậm. Nhưng hú vía, khi hỏi ra mới vỡ lẽ, má tôi khấn vái là xin Đất Trời, Phật, Chúa, Thánh Thần, Cô Năm, Chú Bảy, các oan hồn Tử Sĩ khuất mặt, khuất mày  về phù hộ cho cái đám con lính tráng của bà, dù con ruột hay con hờ đều mãi mãi được bình an, vô sự, đừng để bị đạn... hun, hay lựu đạn xơi tái để rồi... phủi chân lên nóc tủ ngồi nhìn gà khoả thân thì tội lắm.

 

         Mà thật, từ khi có mấy ông anh nuôi bất đắc dĩ, mấy cây si vừa mới trồng trước cửa xanh mơn mởn bỗng bị hạn hán chết queo, mấy cái cột đèn cũng bứng gốc đổi chỗ tự bao giờ, dù có lúc tụi tôi cũng có nghe lời than thở, tiếc nuối: “Lối đi qua nhà em, nghe nồng nàn mùi... thịt nướng thật thơm!” Tuy tiếc thì tiếc nhưng coi bộ chả có tên con trai dân sự nào dám bước qua cái đám “Kỳ đà cản mũi” cứ ra vô hà rầm, nhứt là vào những ngày cuối tuần - với giày sô, quần áo trận chỉ thiếu có súng ngắn, dao găm và cái ba­ lô buộc lỉnh kỉnh soong nồi.

 

 

Xem Kỳ 3

 

 

 

Lê Thị Hoài Niệm

 

 

 

 

 

 

 

trang Truyện và Thơ của Lê Thị Hoài Niệm             |                 www.ninh-hoa.com