Kỳ 2: (tiếp theo
Kỳ 1)
Từ những ngày thơ dại, đã nhiều lần Má khóc khi con
chơi hoang phá phách gây phiền lụy cho gia đình, trong khi Ba la rầy đánh
mắng thì Má âm thầm đi dỗ dành con, và rồi Má kể cho con nghe trong muôn
vàn khổ ải nào má sinh nở ra con. Giặc Tây đóng quân ở núi Hiềm, cứ lâu
lâu dẫn lính đi ba trui qua các thôn làng, những tên Tây đen gạch mặt vô
cùng dữ tợn, hung ác, bước chân chúng đi đến đâu là ở đó có giết chóc, hãm
hiếp, cướp của, bắt người vv... Cho nên hễ nghe còi báo động “Tây lên” là
dân làng phải kéo nhau đi lánh nạn. Đêm tối mịt mùng, bến đò sông Ba người
đông nghẹt, ai cũng muốn dành một chỗ trên thuyền để sang bên kia sông tìm
nơi trú ẩn, thuyền - đúng hơn chỉ là những chiếc ghe nhỏ - người đông,
chiếc ghe con mong manh nhỏ bé mang quá tải có Má và cả con trong bụng,
gần như muốn chìm xuống dòng nước đang nổi cơn thịnh nộ, muốn cuốn trôi
bao nhân chứng của cuộc đời. Ba sợ quá phải phóng mình bơi theo níu lấy
mạn thuyền và năn nỉ lái thuyền quay về lại bãi, để rồi Ba dìu Má, cậu Tám
gánh mấy chị cùng một số người làng hối hả chạy ngược về hướng núi Thạnh
Phú, vào rừng lánh nạn. Má sinh con không cần bà mụ, không bác sĩ sản
khoa, chỉ nhờ một số bà con cùng đi lánh nạn múc nước suối, dùng củi rừng
đun sôi để tắm rửa, cắt rốn cho con chào đời. Bà con đốt lửa, đập thùng
thiếc, đập vào quang gánh, lấy cây gõ vào nhau tạo càng nhiều âm thanh ầm
ĩ càng tốt, để chào mừng đứa trẻ ra đời trong tận cùng khốn khổ, cùng lúc
đuổi đi con cọp dữ đang giương đôi mắt đỏ đứng rình bên kia bờ suối, nơi
Ba vừa bắt cái võng bên này bờ để Má nằm, hầu tránh bớt khí độc của núi
rừng ban đêm nơi đống lá mục.
Khoảng nửa tháng sau, nghe được tin giặc rút đi, đám
người chạy trốn giặc lục tục kéo về làng, nhưng Má lại cực nhọc vì thằng
con sinh non bệnh hoạn, trong căn nhà trống trước hở sau, mỗi lần con đau
con khóc suốt đêm, cả xóm nhà chung quanh hầu như không ai ngủ được, nên
nhiều bữa Má phải ôm con ra ngoài đồng trống mà ru, mặc cho sương đêm, gió
lạnh. Con vừa đầy tháng, tưởng giặc đã rút đi vì có hiệp định Giơ-Never,
nhưng nào đã được yên đâu. Má kể buổi trưa cả nhà đang ăn cơm, bỗng nghe
tiếng máy bay càng lúc càng đến gần, thế là Ba và cậu Tám vội vã phóng
mình chạy đến đình làng, nơi những người đàn ông trai tráng tập trung theo
đoàn thể, chỉ còn lại Má bồng con, tay kéo mấy chị, hối bà vú già chạy
nhanh ra hầm trú ẩn dưới gốc bụi tre già, nhưng bà vú chậm chân vì tiếc
chén cơm đang ăn dở, nên đã biến thành cây đuốc sống khi trái bom xăng rớt
trúng ngay nhà. Nhà tan cửa nát lần thứ bảy (từ khi bị giặc đến thả bom),
với bầy con có đứa còn đỏ hỏn, vậy mà Ba Má vẫn đứng dậy được, cũng nhờ bà
con chòm xóm tiếp tay và mớ ruộng vườn không bị tàn phá. Ba Má đã dựng
được căn nhà khác tuy bằng đất sét lợp tranh nhưng sạch sẽ, rộng rãi vô
cùng. Con tập đi trong những ngày thanh bình nơi thôn dã, con lớn lên chưa
biết trèo ổi, hái xoài, chỉ biết theo mấy chị bì bõm lội mương mùa nước
cạn, được chị dẫn đến chùa ngồi dưới gốc cây thị chờ cho gió thổi mạnh làm
rụng trái thị chín cây vàng hườm, óng mượt để tụi con chạy lượm đem về cất
dấu chờ cô Tấm hiện hình ra gặp hoàng tử. Con chưa biết theo Ba đi để lờ,
câu cá ban đêm để thấy ánh sáng lập loè của con đom đóm mà mấy chị khi kể
chuyện, hay tưởng tượng là bóng ma trơi. Con nhớ quá ít về những tháng
ngày thơ dại ở làng quê.
Con lớn lên ở thành phố, ngay những bước chân chập
chững vào lớp mẫu giáo, con đã sống với ánh điện hoàn toàn. Con sống trong
an bình thanh thản, trong căn nhà gạch có sân tráng xi măng, ngày hai buổi
cắp sách đến trường, chiều xuống cả bọn con trai trong xóm kéo ra đường lộ
đá banh, mặc cho xe cộ chạy qua bóp còi inh ỏi, tuổi thơ vô tư quá con đâu
có để ý đến những nhọc nhằn khổ cực Ba Má đã trải qua, từ người chủ ruộng,
giờ Ba thành người làm thuê, làm mướn, Má phải buôn tảo bán tần để con
được vào học trường dòng Lasan, với những vị thầy mặc áo chùng đen nghiêm
khắc.
Ba Má nuôi con ngày mỗi lớn, trường học cho con chữ
nghĩa đầy đầu, biển Nha trang vun bồi cho thân thể con ngày thêm cường
tráng, có ai biết được con đã từng bịnh hoạn sinh non, những người bạn
Phỉ, Hùng, Hiền, Linh... và cả người bạn gái từng là hoa khôi của trường
Nữ trung học nổi tiếng trong thành phố, tất cả cho con quá nhiều ngày vui.
Con nhớ nhất là những ngày Tết đến, nhà mình đông vui quá cỡ, đêm ba mươi
cả bầy kéo đi hái lộc ở Tháp bà, lúc trở về nhà xông đất đã thấy Ba cúng
kiến xong xuôi, Má bày sẵn một bàn thức ăn, nước uống cho cả bọn tha hồ no
nê. Sáng mồng một, bọn chúng con mỗi đứa mặc bộ áo dài khăn đóng rồi leo
lên xe ngựa kêu bác tài chạy cùng làng khắp xóm thăm hết bạn bè, rồi lên
tận nhà Công ở trên Thành hái trái thanh long. Sự học của con cũng cao dần
theo tuổi lớn, con bỏ lại thành phố biển về thủ đô để tập tành bước vào
ngưỡng cửa giảng đường trường Luật. Ngoài những buổi đến trường, đời sống
của con gắn liền với mọi sinh hoạt ở đại học xá M.M., nơi có nhiều bạn
đông vui nhưng cũng quá xô bồ.
Xem
Kỳ 3....