www.ninh-hoa.com

MỘT LẦN THĂM M SƠN
Mục Đồng


 




 

 

MỘT LẦN THĂM M SƠN
Mục Đồng

---š { ---

Khi còn học ở Huế, chúng tôi đã có duyên được một lần đi tham quan khu di tích tháp cổ Mỹ Sơn. Có thể nói đây là một khu di tích bí mật mà người Việt Nam mình không phải ai cũng biết, bởi nó chỉ mới được phát hiện vào cuối thế kỷ XIX, mà người phát hiện lại cũng không phải là người Việt Nam.

Mỹ Sơn là một khu di tích đền tháp quan trọng nhất của Vương quốc cổ Champa đã tồn tại và phát triển suốt hơn 10 thế kỷ, được phát hiện năm 1898 bởi một người Pháp có tên là M.C.Paris. Nằm ẩn sâu trong thung lũng thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, cách thành phố Ðà Nẵng khoảng 68 km về phía tây nam, cách Trà Kiệu khoảng 10 km về phía tây. Mỹ Sơn đã được nghiên cứu và giới thiệu cùng du khách trong nước và toàn thế giới sau các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học người Pháp. Vào năm 1898, di tích Mỹ Sơn được phát hiện bởi một học giả người Pháp tên là M.C Paris. Vào những năm đầu thế kỷ XX này, hai nhà nghiên cứu khác của Pháp tên là L.Finot và L.de Lajonquière và nhà khảo cổ học H. Parmentier đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu văn bia và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm. Cho đến những năm 1903-1904, những tài liệu cơ bản nhất về bia ký và nghệ thuật kiến trúc Mỹ Sơn đã được L.Finot chính thức công bố.

Sau khi vượt đèo Hải Vân (bấy giờ chưa có hầm Hải Vân), qua khỏi Đà Nẵng, đến Duy Xuyên - Quảng Nam, xe bắt đầu đi vào đường đất và đến khu hành chánh, mọi người phải xuống xe. Từ đây, muốn đến được khu di tích, thầy trò chúng tôi phải đi hết một đoạn đường núi dài khoảng gần 4 cây số và phải đi qua một chiếc cầu tre nhỏ dài khoảng 200 mét bắt ngang một con suối lớn. Nếu không có xe Jeep đưa đón thì có lẽ phải mất hơn một giờ đi bộ mới đến được địa điểm tham quan. Đoàn người rảo bộ dưới bầu trời dần dần dịu lại khác với cái nắng khi đi trên đường lộ. Hoà với tiếng suối róc rách, tiếng chim hót, tiếng thông vi vu, khung cảnh Mỹ Sơn như tạo một bức tranh nên thơ kì lạ.

Và trước mắt chúng tôi, từng ngọn tháp rõ dần, lớn dần hiện ra, quả đúng là một thành phố cổ ẩn tàng. Khi chưa đến nơi, khó có ai ngờ giữa núi rừng thâm u, quanh năm bảo phủ bởi màu xanh cây cỏ lại tồn tại một khu di tích đền tháp to lớn và đa dạng như thế. Mặc dù thời gian cùng chiến tranh đã biến nhiều nơi thành phế tích nhưng dựa trên những hiện vật điêu khắc, kiến trúc còn lại cho đến ngày nay, những phong cách cũng như những giai đoạn lịch sử mỹ thuật của dân tộc Chăm, những kiệt tác văn hoá vẫn được tái hiện rõ ràng. Nó đánh dấu một thời huy hoàng của văn hoá kiến trúc Chămpa nói riêng và của Đông Nam Á nói chung.

Chúng tôi xin miêu tả sơ lược vài nét về Mỹ Sơn dựa vào sự chứng kiến tận mắt cũng như các tài liệu tại văn phòng hướng dẫn và tham khảo từ các bài viết liên quan như sau:

Những dòng chữ ghi trên tấm bia sớm nhất (ngôn ngữ trên các bia ký ở đây đều dùng tiếng Sanskrit) ở Mỹ Sơn, có niên đại khoảng thế kỷ thứ IV, cho biết vua Bhadresvara đã xây dựng một ngôi đền để dâng cúng thần Siva-Bhadresvara. Hơn hai thế kỷ sau đó, ngôi đền đầu tiên được xây dựng bằng gỗ đã bị thiêu huỷ trong một trận hỏa hoạn lớn. Vào đầu thế kỷ thứ VII, vua Sambhuvarman đã xây dựng lại ngôi đền bằng những vật liệu bền vững hơn (còn tồn tại đến ngày nay). Bức màn lịch sử của nhiều triều đại xưa đã được các nhà khoa học vén dần lên thông qua những bia ký và kiểu kiến trúc.

Bằng vật liệu gạch nung và đá sa thạch, trong nhiều thế kỷ, người Chăm đã dựng lên một quần thể kiến trúc đền tháp độc đáo, liên hoàn: Ðền chính thờ Linga-Yoni biểu tượng của năng lực sáng tạo. Bên cạnh tháp chính (Kalan) là những tháp thờ nhiều vị thần khác hoặc thờ những vị vua đã mất. Mỗi thời kỳ lịch sử, kiến trúc mang phong cách riêng, cũng như mỗi đền tháp thờ những vị thần, những triều vua khác nhau tạo nên đường nét kiến trúc đầy dấu ấn, nhưng nhìn chung tháp Chàm đều được xây dựng trên một mặt bằng tứ giác, chia làm 3 phần: Ðế tháp vững chắc, thân tháp kỳ bí mê hoặc và phần trên là những biểu tượng tôn giáo và những cái gần gũi cuộc sống con người.

Theo các nhà nghiên cứu tháp Chàm cổ, nghệ thuật kiến trúc tháp Chàm tại  Mỹ Sơn hội tụ được nhiều phong cách khác nhau. Dưới triều đại vị vua Chăm đầu tiên là Bhadravarman (Phạm Phật, 349-361), theo các bia ký, thì Mỹ Sơn đã là khu di tích tôn giáo của Vương quốc Champa rồi. Sự nghiên cứu các bia ký còn cho biết, những đền tháp trước tiên là nơi thờ cúng Phạm Thiên – đấng tối cao – mà dưới triều đại mỗi vị vua, tên của vị thần được ghép thêm với tên của vị vua ấy vào trước. Những thế kỷ sau đó, các đền tháp tiếp tục được xây dựng bổ sung; nhất là vào thế kỷ X, những kiến trúc lớn nhất, đẹp nhất còn tồn tại cho đến ngày nay đã được xây dựng, như tháp A1, các nhóm B, C, D, K, G, H ...

Qua một thời gian chiến tranh, nhiều đền tháp, miếu mạo, làng mạc bị phá huỷ, của cải bị kẻ thù cướp đi, nhưng sau đó lại được khôi phục và xây dựng nhiều hơn. Vị vua có công lớn trong việc đánh đuổi kẻ thù và phục hồi các kiến trúc là Vua Hari.(vt) IV (1074-1080) – một trong những vị vua của vương triều mới (vương triều Vijava) thủ đô ở Bình Định.

Từ năm 1167, sau khi đánh thắng quân Khơ-me, vua J. Indra IV đã đem tất cả chiến lợi phẩm chiếm được ở Campuchia dâng cúng cho thần Srisana – vị thần tối cao đã bị phá huỷ trước kia. Số lễ phẩm dâng cúng đó rất nhiều, gồm vàng, bạc, châu báu, gỗ trầm, cả kosa bằng vàng... Nhưng cũng do đây mà năm 1190, người Khơme đã tấn công trả thù và chiếm đóng Champa.

Từ sau năm 1220, cuộc chiến Khơ-me chấm dứt, vua J.Parames.(vt) lên ngôi, Mỹ Sơn lại được tu bổ. Vua dựng lại tất cả mọi linga ở Ponagar Nha Trang và ở Mỹ Sơn. Thời gian sau đó, tuy không có bia ký nào ghi nhưng dựa vào sự xác định phong cách, vẫn có nhiều công trình kiến trúc được xây dựng, như tháp B1 vào thời vua J.Simha (Chế Mân)... Như vậy, mãi cho đến khi chấm dứt vương triều Champa năm 1470, Mỹ Sơn vẫn được các vua Chăm quan tâm thờ phụng.

Do được thờ phụng, xây dựng và tôn tạo liên tục suốt hơn một nghìn năm, nên Mỹ Sơn hiện còn bảo lưu rất nhiều những di tích kiến trúc, điêu khắc, bia ký... xứng đáng là một bảo tàng vô giá về văn hoá, nghệ thuật và lịch sử Champa. Tuy nhiên, không có sử liệu nào từ thời Lê trở đi nhắc đến địa điểm này. Điểm này chúng ta cũng nên nhớ, khi nhà Minh xâm lược và đô hộ Đại Việt, với ý đồ đồng hoá dân tộc, họ đã đem tất cả mọi sách vở, biểu tượng văn hoá, sử liệu… về nước họ hoặc thiêu huỷ sạch. Cho đến cuối thế kỷ XIX, khu tháp Mỹ Sơn đang bị che phủ trong rừng rậm mới được phát hiện.

Để tiện việc nghiên cứu, người ta chia các đền tháp ra thành các nhóm và nhiều khu:

– Khu A và A’ (khu Tháp Chùa) có 19 di tích.

– Khu B, C, D (khu Tháp Chợ) có 12 di tích.

– Khu E, F (khu Tháp Bàn Cờ) có 4 di tích.

– Khu G có 5 di tích; và các khu khác có 1 đến vài di tích.

Theo thống kê của nhà nghiên cứu H. Parmentier thì toàn bộ Mỹ Sơn có hơn 70 đền tháp. Nhưng qua thời gian thăng trầm cũng như ảnh hưởng chiến tranh, nhất là trận mưa bom cuối năm 1969, đến nay, Mỹ Sơn chỉ còn lại khoảng 20 ngôi tháp. Những thập kỷ gần đây, Mỹ Sơn đã thật sự hồi sinh, được xem là một khu di tích, một địa điểm du lịch danh thắng của đất nước. Hiện nay, Mỹ Sơn đang được đầu tư phục hồi để chào đón du khách và các nhà nghiên cứu.

Mặc dù bị tàn phá nhiều, Mỹ Sơn vẫn được xem là một bức tranh thu nhỏ về lịch sử kiến trúc và điêu khắc cổ Chămpa. Ở đây, hiện vẫn còn những dấu tích, hiện vật của các giai đoạn lịch sử mỹ thuật. Theo nhà nghiên cứu P.Stern, hệ thống tháp Mỹ Sơn được phân loại thành 7 phong cách nghệ thuật, đại diện cho các giai đoạn phát triển liên tục của kiến trúc Chămpa:

Phong cách cổ: Tháp F1.

Phong cách Hoà Lai: Tháp F3, A2, C7.

Phong cách Đồng Dương: Tháp B4, A11-13, B2 và A10.

Phong cách Mỹ Sơn A1: Tháp A1.

Phong cách chuyển tiếp "A1 – Bình Định": các nhóm tháp B,C,D.

Phong cách Bình Định: E4, F2, K6.

Phong cách muộn (và Bình Định): các nhóm tháp G, H và B1.

Trong số 20 tháp hiện còn, phần nhiều đều hư nát, chỉ còn lưu lại mảng tường, phần thân hoặc nền móng, chỉ có một số ít tháp là còn tương đối nguyên vẹn.

– Tháp B5: Một trong những ngôi tháp còn nguyên vẹn của nhóm B, trong khu Tháp Chợ, thuộc phong cách Mỹ Sơn A1 (thế kỷ X) – một phong cách kiến trúc nhẹ nhàng, duyên dáng và trang nhã. Chức năng của nó vốn là một nhà kho nên toàn bộ hình dáng mô phỏng một ngôi nhà dân gian. Mái tháp cong như yên ngựa, hình một chiếc thuyền nằm dài theo hướng đông – tây. Phần thân có bình đồ hình chữ nhật, hai mặt tường dài có 9 cột ốp đôi được phủ kín bằng những hoa văn rậm rạp, trên đầu cột là các đường gờ nhô ra to dần để đỡ bộ mái. Khoảng giữa hai cột ốp là một ô cửa giả hình cung nhọn với các phù điêu hình người được chạm trực tiếp giữa nền gạch. Hai mặt tường ngắn, khoảng giữa trổ hai cửa sổ được trang trí bởi các con tiện bằng đá, và hình hai con voi châu vòi với nhau.

– Tháp C1: Cấu trúc có hai phần, về cơ bản giống tháp B5 nhưng lớn hơn nhiều vì đây là tháp thờ chính. Phần tháp tiền sảnh ở phía đông và tháp thờ gián tiếp ở phía tây. Tháp này không có cửa sổ mà đều được kiến thiết một ô cửa giả nhô ra khá mạnh có hình người bên trong.

– Tháp D1 (đối diện với tháp thờ B1 hiện không còn): Dạng một ngôi nhà dài để đón khách hành hương, chuẩn bị đồ lễ, thuộc phong cách Mỹ Sơn A1. Hiện nay, bộ mái và tường phía nam đã sụp đổ. Hai tường ngắn phía đông, tây có hai cửa ra vào. Mặc tường bắc còn nguyên, có 3 ô cửa sổ được trang trí như ở tháp B5. Trên mỗi cửa sổ có một ô chạm khắc hình trang trí khác nhau. Trên đó nữa là hình các vũ nữ nhảy múa rất sinh động. Mặc tường này cũng có cấu tạo cột ốp đôi, cửa giả... như tháp B5. Trên đầu các cột ốp hai bên có hình khắc hai người quỳ, cầm vũ khí như trong tư thế đang chiến đấu.

– Tháp D2 là một toà nhà giống D1 nhưng đơn giản hơn nhiều, chứng tỏ nó thuộc giai đoạn cuối của phong cách Mỹ Sơn A1. Chỉ có hình vũ nữ đang múa trên các cửa sổ, mặt tường ngoài chỉ có các đường gờ hình chữ nhật chứ không có phần điêu khắc nào.

– Tháp A1: Tháp thờ chính của nhóm A trong khu vực Tháp Chùa, là một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc của Champa. Trước khi bị chiến tranh tàn phá, tháp cao 24m, mỗi cạnh rộng 10m. Thân tháp cao, thanh tú với các mặt tường đều có bố trí các cặp cột ốp sóng đôi, các ô cửa giả có hình người đứng trang nghiêm chắp tay. Trên mỗi cặp cột ốp được phủ kín bằng những hình chạm hoa lá uốn lượn thanh thoát. Giữa các cột ốp góc tường cũng như giữa hai mặt tường nam, bắc còn được tô điểm bằng những phiến đá thể hiện hình thiên nữ Apsara hoặc thuỷ quái Macara. Phía trên thân tháp có ba tầng nhô dần với hình tháp ở bốn góc của mỗi tầng, mô phỏng hình dáng và cấu trúc của phần thân. Trên cùng là đỉnh tháp hình chóp bằng đá sa thạch. Nền tháp có hai tầng: tầng trên chạm các hình voi, sư tử ngộ nghĩnh, tầng dưới được trang trí xen kẽ hình mặt quái vật Kala, thuỷ quái Macara và hình voi có người cưỡi. Tuy nhiên, kiến trúc A1 hiện nay chỉ được hình dung dựa trên hình ảnh tháp B3 – ngôi tháp còn lại có cấu trúc, hình dáng và trang trí tương tự.

– Tháp G1: Tháp thờ chính và là tháp duy nhất còn nguyên vẹn của nhóm G, thuộc phong cách Bình Định, nằm trên ngọn đồi phía bắc khu A. Về cơ bản, G1 cũng có hình dạng tháp vuông nhiều tầng, nhưng trên mặt tháp không có hình chạm khắc nào. Đặc biệt, tháp G1 quay mặt hướng tây, và tiền sảnh mở thêm hai cửa hông. Cả ba cửa và các cửa giả đều có hình vòm cuốn như mũi lao nhọn ở phía trên. Riêng vòm của cửa ra vào có trang trí hình nữ thần bằng đất nung, ngồi xếp bằng, tay cầm hai búp sen. Phần bệ tháp có một con sư tử bằng đá khá lớn, trông rất hung dữ. Quanh chân tháp là những mặt nạ đầu quái vật kala bằng đất nung: sừng cong, mắt xếch, mũi to, nhe nanh...

– Tháp B1: Tháp thờ chính của nhóm B, là một tháp được xây dựng sau cùng, có diện tích mặt bằng lớn nhất và cũng đầy bí ẩn nhất. Hiện nay, chỉ còn lại chân tháp đồ sộ xây bằng những tảng đá lớn. Trong tháp hiện còn cả một bộ linga-yoni rất lớn. Xung quanh tháp còn rải rác những vật trang trí bằng đá sa thạch mang nét phong cách Bình Định.

Với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XIII, mặc dù số lượng tháp không còn nhiều và không nguyên vẹn bao nhiêu, nhưng Mỹ Sơn vẫn là một khu di tích đền tháp quan trọng nhất, có giá trị nhất của lịch sử kiến trúc cổ Champa. Hơn nữa, Mỹ Sơn còn lưu giữ nhiều kiệt tác kiến trúc, điêu khắc cổ của người Champa, mà có nhiều tác phẩm đã được trưng bày tại các bảo tàng.

Sau khi phát hiện ra khu tháp cổ Mỹ Sơn, nhiều hiện vật tiêu biểu trong đó đặc biệt là những tượng vũ nữ, các thần linh thờ phượng của dân tộc Chăm, những con vật thờ cũng như những cảnh sinh hoạt cộng đồng đã được đưa về thành phố Ðà Nẵng xây dựng thành bảo tàng kiến trúc Chămpa. Tuy không phải là nhiều, nhưng những hiện vật này là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tiêu biểu, nó có giá trị văn hoá của một dân tộc, và cũng là những chứng tích lịch sử rất sống động, xác thực của một trong những dân tộc trong cộng đồng Việt Nam giàu truyền thống văn hoá.

Những gì được trình bày trên đây chủ yếu đều là dựa vào những lời kể lại. Lịch sử qua rồi, hình ảnh hào nhoáng, đẹp đẽ, rực rỡ cũng chỉ là của quá khứ. Thật tế, ai đã bước chân đi trên từng miếng gạch vỡ, tận mắt nhìn những đống đổ nát hoang tàn, lơ thơ cỏ dại mới thấy lòng xót xa, dấy lên một niềm mang mang hoài cổ. Còn đâu nữa những vương triều tráng lệ với những ông vua có niềm tin tôn giáo nhưng cũng hiếu thắng và nhiều tham vọng để rồi thường xuyên chém giết tranh giành nhau. Còn đâu nữa một dân tộc ngày nào hiên ngang sánh vai nhưng vì thiếu tính tự chủ dân tộc, đã dần dần mất tên trên bản đồ thế giới. Tuy thật vui và cảm động khi nghe "Tiếng hát dân Chàm" của Châu Kỳ - một ca khúc hài hoà nối liền tình cảm của hai dân tộc Việt, Chămpa; nhưng cũng xót xa biết mấy khi nghe “Hận Đồ Bàn". Ôi, não nề thay ! Dòng tâm thức miên man, còn luyến lưu, lắng đọng với một mảng không gian xanh um của núi rừng pha chút màu nâu xẩm của gạch đổ, rêu phong … nhưng chân đã bước đi xa dần, xa dần rời khỏi miền xưa ký ức.

Mục Đồng lược ghi

---š { ---

Mục Đồng

Trang Văn Thơ: Trần Thanh Thiên