Đầm Nha Phu - Ảnh: Dương Tấn Long

XỨ NINH: THẮNG CẢNH & DI TÍCH - Vinh Hồ

   
 XỨ NINH:  THẮNG CẢNH & DI TÍCH

 Phần (1)   |  Phần (2)  |   Phần (3)   |    Phần (4)   |   Phần (5)   |  Phần (6)  Phần  (7)  |

       Phần  (8)  |    Phần  (9)  |   Phần  (10)   Phần  (11)   Phần  (12)     Phần  (13)

     www.ninh-hoa.com
 

Bản Ðồ Ninh Hòa      Biển Đại Lãnh     Vũng Rô      Núi Đá Bia     Đèo Cổ Mã    Chùa Xuân Tự


Phần 3:
 

CHÙA PHẬT HỌC NINH HÒA:
 

Còn gọi là chùa Hội tức là Chùa Huyện Hội Phật Giáo Ninh Hòa, tọa lạc tại Thị Trấn Ninh Hòa bên Quốc lộ 1, là một trong những ngôi chùa nguy nga xinh đẹp nhất tại huyện Ninh Hòa, do Hòa thượng Thích Quảng Đức khai sơn năm 1942.

Ảnh: Dương Tấn Long và Huynh trưởng Thị Hưng

Chùa nằm trên một khu đất rộng rãi, phía sau có hồ sen, phía trên có hoa viên trưng bày khoảng một trăm chậu kiểng đủ loại đủ màu sắc phong cách, lại nhờ gần đường nằm tại Thị Trấn, nên đã thu hút hàng ngàn du khách đến thăm viếng ngoạn cảnh chụp hình quay phim.

Lịch sử truyền thừa của chùa được ghi nhận như sau:

             Đồng Trí Từ Ân: 1942-1945
             Minh Chiếu: 1955-1959
             Nguyên Đạt Viên Nhơn: 1960-1964
             Phước Nhơn: 1968
             Tịnh Mân: 1972-1975
             Viên Nhơn: 1975-1976
             Thông Thắng: 1976-1991
             Quảng Thường Ngộ Tánh: 1991 đến nay.

Chùa Phật Học là Trụ sở của Hội An Nam Phật Học Ninh Hòa từ lúc thành lập năm 1942 do Tổ Quảng Đức chủ xướng chứng minh và Ông Ngô Bình làm Hội trưởng.

Là Văn phòng của Ban Đại diện Phật giáo huyện Ninh Hòa từ trước đến nay và là nơi tổ chức An Cư Kiết Hạ hằng năm cho hàng chư Tăng trong huyện.

Vị Trụ trì hiện nay là Thượng tọa Thích Ngộ Tánh, Chánh Đại Diện Huyện Giáo Hội Phật Giáo Ninh Hòa là một vị danh tăng tài đức, được nhiều Phật tử xa gần ủng hộ đóng góp công sức tiền của để trùng tu ngôi chùa thành một thắng cảnh như ngày nay.

Ngày con làm lễ thành hôn
Chụp nhiều cảnh đẹp gởi sang Mẹ già
Mẹ nhìn cây liễu cây da
Hồ sen lối gạch biết là chùa xưa
Cổng vào nắng rải lưa thưa
Giữa trưa một tiếng chuông khua não nùng

 

TỊNH XÁ NGỌC HIỆP:
 

Tọa lạc tại thôn Mỹ Hiệp thuộc Thị trấn Ninh Hòa cách Trường Trần Bình Trọng khoảng 300 m về phía Thị trấn, nằm trên một cánh đồng cạnh Quốc lộ 1, cảnh trí u nhàn tĩnh mịch.

Tịnh xá Ngọc Hiêp thuộc Phật giáo Tiểu Thừa.

Nếu Phật Giáo Đại Thừa truyền qua ngả Trung Hoa sang Việt Nam từ các tỉnh miền Bắc thì Phật giáo Tiểu Thừa hay còn gọi là Phật Giáo Khất Sĩ truyền qua ngả Cao Miên sang VN từ các tỉnh miền Nam. Các tịnh xá có kiến trúc đẹp và lạ so với các chùa chiền bên Phật Giáo Đại Thừa.

Ảnh:  Dương Tấn Long

Theo Tác giả Dương Tấn Long, Tịnh Xá Ngọc Hiệp được Tổ Thích Giác Linh khai sơn năm 1962 và trụ trì đến năm 1989. Ni sư Thích Nữ Huệ Liên kế thừa trụ trì từ năm 1989 đến nay.

Trong 2 thập niên 60, 70 tại Ninh Hòa có nhiều thanh niên gia nhập phái Khất Sĩ mặc áo vàng cầm bình bát vân du đây đó. Tại khuôn viên Tịnh Xá dọc bờ suối, trên ngọn đồi... các vị tu sĩ lao động nặng nhọc suốt ngày ngoài trời như các tiều phu trong tinh thần tự lực cánh sinh nên đã chinh phục được nhiều tình cảm tốt đẹp của dân chúng. Chỉ trong vòng mươi, mười lăm năm mà các tịnh xá tại Khánh Hòa đã mọc lên như những đóa sen vàng rực rỡ từ kiến trúc đến cảnh trí hoa viên thật là độc đáo như Tịnh xá Ngọc Hải ở Cát Lợi, Vĩnh Xương, Tịnh xá Ngọc Hiệp ở Thị trấn Ninh Hòa.

Tịnh xá Ngọc Hiệp hình lục giác sơn màu vàng hoa cúc, cổ lầu có mái cong, mặt tiền cổ lầu sơn màu xanh nhạt nổi bật 4 chữ màu trắng: Tịnh Xá Ngọc Hiệp

Màu sắc hài hòa, khung cảnh nên thơ, trước năm 1975 tôi thường rủ bạn bè đến tịnh xá để viếng cảnh, chụp hình.



DỐC LẾT:
 

Là một bãi biển xinh đẹp nằm sau những đụn cát nối tiếp chạy dài cả chục cây số, đặc biệt cát hạt nhỏ rức và trắng tinh như đường cát số một, thuộc xã Ninh Hải, huyện Ninh Hòa cách huyện lỵ Ninh Hòa độ 12km về hướng Đông Bắc. Nơi đây không khí trong lành vì không nhà cửa xe cộ, gió biển thổi lồng lộng, những đụn cát mịn màng sáng chiều di chuyển thay đổi hình dạng để nhiếp ảnh gia săn lùng ảnh đẹp. Bãi biển Dốc Lết trải dài từ làng Đông Hải đến xã Ninh Thủy. Ngoài khơi, Hòn Đại Dư nằm trên biển sóng trông như một kiều nữ khỏa thân đang thả hồn về với Nguyễn Triệu Lưu Thần.

Tác giả Trần Bình Tây viết:

"Bờ biển Nha Trang đã đẹp mà bãi biển Dốc Lết còn có phần đẹp hơn".

Tác giả Dương Tấn Long viết:

"Bãi tắm không sâu, vùng an toàn kéo dài ra khơi gần 50 m (hơn hẳn bãi tắm Nha Trang, Vũng tàu về yếu tố này)... là nơi thu hút du khách hàng đầu của Ninh Hòa , xe có thể chạy tới tận nơi, có bãi đậu, có những dịch vụ cho thuê phòng ở, nhà hàng ăn, các chòi nghỉ gia đình, cho thuê trang bị tắm. Dốc Lết không những nổi tiếng trong tỉnh mà còn trên phạm vi quốc gia."

Photo: Dương Thị Mai

Bãi biển Dốc Lết ngày nay là một Trung tâm Du lịch của tỉnh Khánh Hòa, trong tương lai Dốc Lết có thể được nối dài đến bãi Cây Bàng ra tận mũi Bàn Thang.

Từ mũi Bàn Thang giong thuyền ra khơi độ 6 km sẽ gặp Hòn Chà Là cao 192 m, bên cạnh có Hòn Hổ, Hòn Rồng. Đó là ba hòn đảo yến có vách đá lởm chởm, hang hố kỳ dị, không khí thơm tho, bốn mùa gió thổi, là quê hương xứ sở của một loài chim.

Mai về thăm đảo Chà Là
Hòn Rồng Hòn Hổ bao la biển trời
Sóng xô vách đá em ngồi
Muốn cùng chim yến nối lời nước non
 

SUỐI HOA LAN, CHÙA HANG, HÒN ĐÁ TRẢI VÀ NÚI TIÊN DU:
 

Trong Phước Hà Sơn tức là dãy núi Hòn Hèo có suối Hoa Lan thuộc xã Ninh Phú huyện Ninh Hòa là một thắng cảnh của xứ Ninh.

Ảnh: Dương Tấn Long

Từ bến Đá Chồng cạnh Quốc lộ 1 thuộc Cát Lợi, huyện Vĩnh Xương sau 30 phút tàu thủy cặp bến Hòn Hèo để du khách đi thăm suối Hoa Lan. Dưới chân suối có một tảng đá khắc chữ Chàm ghi sự kiện ngày xưa vua Chàm đến hành hương nơi đây. Muốn đến điểm hẹn phải mất độ 2 ngày leo núi, một rừng cây mọc trên đá với vô số loài hoa nhiều nhất là phong lan khoe đủ sắc đủ màu để chào đón các bạn trong cuộc hành trình vất vả nhưng đầy ngạc nhiên và thú vị. Trên những ghềnh đá cheo leo các bạn sẽ gặp những con thác số 1, 2, 3, 4, mỗi thác có một dáng vẻ khác nhau mà thác số 4 cao nhất khoảng 350 m. Suối Hoa Lan dài độ 6 km được hình thành từ nhiều suối nhỏ, nước suối trong vắt chảy rầm rì hòa với tiếng chim kêu cùng mùi hương rừng dịu nhẹ mang một vẻ đẹp hoang sơ nguyên thủy.

Chảy qua nhiều ghềnh thác, rừng rậm, đất bằng trước khi đổ vào vịnh Nha Phu.

Công ty Khatoco đầu tư xây dựng Suối Hoa Lan thành Khu Du lịch tắm suối, tắm biển, bơi thuyền, câu cá, thả lưới, soi tôm cua ban đêm. Ở lại đêm có nhà sàn kiểu Tây nguyên thơ mộng.

Giã từ Suối Hoa Lan du khách tạt qua Chùa Hang và Đá Trải cũng trên núi Tiên Du, một trong 3 ngọn núi cao nhất của dãy Hòn Hèo.

Núi chạy sát  vịnh Nha Phu,  bờ đá lởm chởm,  vách đá dựng đứng dài độ
4 km. Mặt trong của núi càng kỳ dị hiểm trở có một hang đá to lớn chứa tới ba bốn trăm người nằm ở lưng chừng núi. Gần đó có một hòn đá trải to lớn như bàn thạch hình chữ nhật dài khoảng 70 m, rộng khoảng 50 m nằm lài lài trên triền núi.

Ảnh: Hà Thị Thu Thủy

Truyền rằng ngày xưa trên núi vào đêm Nguyên Tiêu tức là đêm rằm tháng Giêng ÂL nhầm tiết Thượng Nguyên gió mát trăng tròn, cây cỏ tốt tươi đâm chồi nẩy lộc, dòng suối Hoa Lan đẹp như một dãi lụa, hai bên suối hoa phong lan tỏa hương ngào ngạt, cả một vùng rừng núi vang lên bản hợp tấu Mùa Xuân... đó là thời điểm Hằng Nga và các Tiên nữ từ Thượng giới bay về dự hội Phước Hà mừng Xuân Hòa Bình tại Hang Đá, khiêu vũ nơi Đá Trãi và ngâm mình dưới dòng Suối Hoa Lan. Dưới chân núi dân làng reo hò mừng đón chư Tiên mở hội rước đèn múa hát suốt đêm không ngủ. Từ đó người ta gọi núi ấy là núi Tiên Du, làng dưới chân núi là làng Tiên Du, dòng Suối Hoa Lan nơi Tiên tắm gọi là Suối Tiên Du , hang đá nơi Tiên dự hội Phước Hà mừng Xuân Hòa bình gọi là Hang Tiên Du và Đá Trãi nơi Tiên múa hát gọi là Đá Tiên Du.

Riêng Hang Tiên Du về sau có một vị Thiền sư đến ẩn tu nên được gọi là Chùa Hang.

Hòn Hèo có suối Hoa Lan
  Có Hòn Đá Trải có Hang tu Thiền
  Non cao thác đổ triền miên
  Suối reo chim hót cõi Tiên xứ Thần
  Hằng Nga mở hội Phong Vân
  Dưới trăng múa hát mừng Xuân Hòa Bình

Hàng năm đến tiết Thượng Nguyên
  Tiên Du mở Hội Quần Tiên Bồ Đào
  Hoa Lan khắp núi ngạt ngào
  Suối reo chim hót đón chào Chư Tiên


 

 

Đọc:  Xứ Ninh: Thắng Cảnh và Di Tích  - 

 Phần 1     Phần 2    Phần 4    Phần 5    Phần 6   Phần 7    

 Phần 8       Phần  9      Phần 10    Phần 11   Phần 12   Phần 13

 

 

          VINH HỒ
(Orlando, Tháng 10/2004)

Tài liệu tham khảo:

Lược sử Chùa Thiên Bửu, 1993, Ban Hộ Tự và Tổ Sử
Lịch Sử Chùa Huệ Thành Hội Quán, Đường Sơn (Quách Cảnh dịch)
Lịch Sử Chùa Trường Thọ, Ban Hộ Tự
Lịch Sử Chùa Phật Học, Ban Hộ Tự
Sơ Lược Lịch Sử Chùa Khánh Long, Nguyễn Khánh Vân
Tiểu Sử Chùa Sắc Tứ Thiên Ân, Ban Hộ Tự
Lịch Sử nhiều Chùa đăng trên: www.ninh-hoa.com
  <http://www.ninh-hoa.com>
Đôi Nét Lịch Sử về Giáo Họ Mỹ Hoán, Linh mục Trần Văn Điện
Lịch Sử Thánh Thất Đại Cát, Hiền hữu Võ Sự
Non Nước Khánh Hòa, Nguyễn Đình Tư
Xứ Trầm Hương, Quách Tấn
Ninh Hòa Lịch Sử Khái Quát, Nguyễn Văn Thành
Dốc Lết, Dương Tấn Long
Lăng Bà Vú, Thùy Trang
Suối Nước Nóng Dục Mỹ, Phó Đức Lâm
Trở Về Thăm Suối Nước Nóng - Hà Thị Thu Thủy
Đặc san Khánh Hòa Nha Trang, FL, TX, Nam CA, Bắc CA (nhiều số)
Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim
Sài Gòn 300 năm cũ, Nguyên Hương Nguyễn Cúc
Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, Thượng Tọa Mật Thể
Lược Sử Phật Giáo Việt Nam, Thích Minh Tuệ