
Cầu Dinh/Cầu
Sắt/Sông Dinh


SÔNG DINH
Dương Tấn Long

Sông Dinh hay là sông Vĩnh Phú (theo Đại
Nam Nhất Thống Chí Trước Gọi Là Vĩnh An) thuộc địa
phận huyện Ninh Hòa. Sông này gồm có ba nguồn chính họp lại:
Nguồn thứ nhứt gọi là Sông Cái, phát
nguyên từ dãy núi Vọng Phu ở huyện Khánh Dương, chảy theo hướng bắc -
nam chừng 10 cây số, lại đổi
theo hướng tây- bắc, đông-
nam, chảy thêm khoảng 20 cây số nữa, qua Dục Mỹ , Tân Trúc, Phước Lâm
rồi tới Vĩnh Phú.
Nguồn thứ hai là sông Cây Sao, cũng có
tên là Sông Đồng Hương. Sông
này phát nguyên từ hòn Đại Đa Đa ở Buôn Lác thuộc huyện Vạn Ninh, chảy
theo hướng tây-bắc, đông-nam, nhập vào sông Cái ở vùng Xuân Hòa. Từ
nguồn đến vùng Quảng Cư, sông này mang tên sông Đá, lòng sông hơi rộng.
Nguồn thứ ba là sông Đá Bàn, phát nguyên
từ dãy núi vùng Đá Bàn gần Phú Yên chảy theo hướng bắc nam, khoảng 20
cây số đến Phú Văn. Từ đây hạ lưu sông Đá Bàn được gọi là sông Lốt, vì ở
đây cây rau lốt mọc rất nhiều. Nước sông Lốt đục quanh năm vì nước bùn
trong các ruộng chảy vào, cho nên cũng có tên là sông Đục.
Chảy khoảng 4-5 cây số tới Vĩnh Phú, sông Lốt nhập với sông Cái.
Từ Vĩnh Phú, sông Dinh mới mang tên
chính thức, chảy qua huyện lỵ Ninh Hòa, khoảng 8 cây số rồi ra cửa biển
Hà Liên, thường gọi là cửa Bến
Đò. Đoạn sông này tương đối sâu và rộng hơn,
thuyền nhỏ của ngư dân có thể qua lại để đánh cá. Trong ba nguồn này chỉ
có sông Đá Bàn là rộng hơn cả. Sông này cũng có nhiều ghềnh thác. Ra gần
đến cửa
biển, sông Dinh còn tiếp nhận thêm một chi lưu nữa gọi là suối Dõng phát
nguồn từ Hội Diêm, Ninh Sơn chảy dọc chân núi, theo hướng bắc- nam qua
thôn Tân Kiều. Sát cửa Hà Liên lại có suối nước ngọt từ trên dãy núi
Tiên Du xuống nhập vào sông Dinh.
Tên sông Dinh là nguyên từ khi
đất Kaut Hara của Chiêm Thành về ta,
cơ quan cai trị đều đóng ở đất Bình Khang (đất Ninh Hòa hiện nay), cho
đến đời nhà Nguyễn trung hưng mới dời vào Diên Khánh. Vì con sông chảy
qua khu vực dinh quan trấn thủ đóng nên người địa
phương mới gọi là sông Dinh.
Trên các
đoạn sông Dinh, để chủ động được nguồn nước
phục vụ cho nông nghiệp, một số đập nước được xây dựng. Đập Bảy Xã (Suối
Trầu) là đập lớn nhất nằm ở làng Hiệp Thịnh xã Ninh Bình cung cấp nước
cho 7 xã là Ninh Xuân, Ninh Bình, Ninh Quang, Ninh Hưng, Ninh Lộc, Ninh
Hà, Ninh Phụng. Đập Chị Trừ mới xây dựng, nằm ở thị trấn Ninh Hòa, cách
cầu Dinh chừng 300m về phía hạ lưu, nối hai làng Vĩnh Phú và Xóm Rượu,
cung cấp nước cho các xã Ninh Đa, Ninh Hiệp. Kế đến là đập Đúc nằm ở xã
Ninh Giang, cấp nước cho các xã Ninh Giang, Ninh Phú, Ninh Đa. Ngoài ra
còn có các đập tạm, nhỏ làm bằng tre, lá như đập ông Tư. Để nối liền đôi
bờ, từ thượng nguồn có cầu Trung Tâm ở Dục Mỹ xã Ninh Sim, kế đến là cầu
Bếnh Gành nằm ở Làng Bình Thành thuộc địa phận xã Ninh Bình và Ninh
Phụng, 2 cầu này nằm trên quốc lộ 26 (trước là quốc lộ 21) từ Ninh Hòa
đi Buôn Ma Thuột, đến cầu Sắt dành cho xe lửa nằm giữa Quang Đông và
Vĩnh Phú (thị trấn Ninh Hòa) đến Cầu Dinh từ Vĩnh Phú vào chợ Ninh Hòa,
và cầu Mới nằm trên quốc lộ 1 (Cải lộ tuyến) giữa Ninh Giang, Ninh Đa
và Thị trấn Ninh Hòa.
Giòng sông Dinh vào mùa khô thì cạn,
trong xanh và trôi lững lờ, có những nơi phơi bày cả
đáy lòng sông với những bãi cát vàng phẳng
mịn, hai bên bờ những hàng tre xanh và cây vườn soi bóng xuống dòng nước,
trông con sông xinh đẹp như người thiếu nữ với những vẻ duyên dáng ,
hiền hòa. Nhưng vào mùa mưa thì nước lủ ngập tràn, chảy xiết với màu phù
sa ngầu đục, nhất là vào tháng 9 tháng 10 nước theo sông Dinh tràn về
các ruộng đồng, dòng sông trở nên hung dữ, mênh mông, nhưng khi ấy Sông
Dinh như dòng máu đầy nhựa sống, chạy xuyên qua và lan tỏa ngập tràn
khắp thân thể Ninh Hòa, mang nhiều phù sa vun tưới, nuôi sống các ruộng
vườn, bồi đắp cho đất đai
luôn màu mở.
Sông Dinh có vai trò quan trọng
đối với địa lý nông nghiệp Ninh Hòa
như thế và sông Dinh đối với nhân văn Ninh Hòa quan trọng cũng không kém.
(Đón đọc
"sông Dinh qua thi ca" của cùng tác giả).
(Có tham khảo tài liệu "Xứ Trầm Hương"
của Quách Tấn và "Non Nước Khánh Hòa" của Nguyễn
Đình Tư)
|
Trích đoạn "Tuổi Mười Ba"
Đường Hào

...Lúc đó đã
gần nửa khuya, đám mây đen vừa kéo đến
che lấp ánh trăng lưỡi liềm. Con đường
về phố chợ đèn chỉ vừa đủ sáng,
mọi vật về đêm trở thành nhá nhem. Thuở
đó, khu quận Ninh Hòa chỉ lưa thưa vài trụ
điện với ánh sáng vài nến, đỏ như
đèn cầy. Công ty điện lực Ninh Hòa chỉ là
một gian nhà mới cất trước đồn lính
"GE", lớn vừa đủ chứa một cái máy
phát điện độc nhất. Máy chỉ phát về
đêm sau 8 giờ tối với dụng ý cho nhu cầu nhà
nước hơn là tư nhân. Cầu Dinh, chiếc
cầu nối liền xóm Vĩnh Phú với phố Ninh Hòa,
còn thô sơ và chật hẹp. Bề ngang cây cầu
rộng vừa đủ vỏn vẹn cho một chiếc
xe hàng loại Renault cũ qua lại một chiều.
Ấy vậy mà cầu Dinh một thời đã là
thắng cảnh của người bản xứ, nơi
dạo chơi và cũng là chỗ dừng chân của
đám trai gái phố thị về đêm. Thuở xa xưa
lúc còn thanh bình, vào những đêm hè người ta hay kéo
nhau ra cầu Dinh hóng gió. Từng cặp, từng nhóm,
tản bộ đến đây ngồi trên mạng
cầu trao đổi những mẩu chuyện không đâu.
Vài anh thanh niên trai trẻ ngứa cổ cất giọng hát
vài câu vọng cổ nghe thật tình tứ đẩy
đưa. Vào những đêm trăng tỏ, ngược
hướng dòng sông Dinh, người ta có thể nhìn rõ hòn
Vọng Phu, cặp đá dáng mẹ bồng con xa tận dãy
núi Ðá Bàn. Xa xa, xuôi theo dòng, núi Hòn Hèo ẩn hiện lúp
xúp sau lũy tre cao. Vừa ngắm cảnh, vừa hóng gió
mát cái phong cách nhàn hạ đơn sơ của người
phố Ninh. Cầu Dinh do Tây làm từ thuở công xi rượu
bên đầu cầu còn là khu nhốt tù chính trị, nên
đã quá xưa khiến nhiều đoạn bị hư
nát. Ở những đoạn như thế, phu lục
lộ gác tạm miếng ván cho người qua lại. Ban
ngày trông đã không mấy an toàn về đêm càng
thập phần nguy hiểm hơn. Tháng sáu, nước sông
Dinh cạn như ứ đọng không trôi. Từ trên
cầu nhìn xuống, ánh trăng phản chiếu trên
mặt nước sông vẽ thành những mảng
trời trắng đen loang lổ. Xa xa, những cồn cát
nhoài lên khỏi mặt nước, đen thui như
bầy rái chó đang tựa người vào nhau trong bóng
đêm. Lộng từ hướng bờ sông, gió Nam non
thỉnh thoảng nổi lên từng cơn, đẩy
đám tre già cọ xát nhau phát ra những tiếng kêu
cọt kẹt, nghe rờn rợn, não lòng.
Trích trong bài truyện ngắn "Tuổi mười ba" của Ðường-Hào
|
|